Chia sẻ kinh nghiệm làm nông
Long An có đường biên giới quốc gia tiếp giáp tỉnh Svay Rieng, Prey Veng của Campuchia dài hơn 134km, có Cửa khẩu (CK) Quốc tế Bình Hiệp, CK Quốc gia Mỹ Quý Tây, 3 CK phụ và 7 lối mở. Thời gian qua, mối quan hệ truyền thống gắn bó đoàn kết, hữu nghị giữa tỉnh Long An với tỉnh Svay Rieng và Prey Veng được duy trì, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong sản xuất nông nghiệp, 2 bên thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm khuyến nông, kỹ thuật trồng trọt, thâm canh sản xuất lúa cao sản, phát triển giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, huyện có đường biên giới dài tiếp giáp tỉnh Svay Rieng nên diện tích đất nông nghiệp cặp tuyến biên giới khá nhiều. Trước đây, nông dân 2 bên thường xuyên qua lại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp với nhau. Đồng thời, ngành Nông nghiệp địa phương cũng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và thường xuyên trao đổi về tình hình sản xuất, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm với ngành Nông nghiệp tỉnh bạn để tăng khả năng dự báo và chủ động hơn trong sản xuất cũng như phòng trừ dịch bệnh.
Chia sẻ, hướng dẫn nông dân nước bạn sản xuất nông nghiệp (Ảnh tư liệu)
Cũng theo ông Lâm, nếu như trước đây, nông dân Campuchia sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chủ yếu theo thói quen, nông sản khó cạnh tranh trên thị trường thì giờ đây, nông nghiệp nước bạn đã dần thay đổi. Nông dân biết ứng dụng nhiều khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, hướng đến sản xuất sạch, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, những năm trước, nông dân địa phương thường xuyên qua lại, thậm chí nhiều người còn thuê đất bên nước bạn để canh tác lúa. Theo nhiều nông dân chia sẻ, đất nông nghiệp bên Campuchia ít dinh dưỡng, đa phần là đất cát pha nên trồng lúa năng suất không cao bằng bên mình. Anh Lê Văn Dực, ngụ xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Những năm trước, tôi thuê đất bên nước bạn để canh tác lúa, vụ đầu năng suất không cao nhưng những vụ sau thì năng suất ngày càng ổn định. Thấy tôi cải tạo đất, gieo sạ bằng máy và sử dụng phân bón, thuốc hiệu quả, nhiều nông dân nước bạn cũng đến xem, học hỏi và trao đổi một số vấn đề về sâu, bệnh. Sau vài lần chỉ dẫn, nông dân nước bạn áp dụng tốt, nhiều người còn mạnh dạn mua máy móc để chuyển đổi phương thức sản xuất”.
Anh Dực cho biết thêm, trước đây, 1ha lúa bên nước bạn chỉ thu hoạch được từ 3-4 tấn là xem như trúng mùa. Nhưng những năm gần đây, khi được học hỏi và chỉ dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là các phương pháp canh tác lúa hiện đại, cách phòng, trừ sâu, bệnh và bón phân hợp lý nên năng suất tăng rõ rệt, nhiều diện tích đạt hơn 6 tấn/ha, gần bằng với lúa bên nước ta.
Tạm “gián đoạn” vì dịch Covid-19
Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở cả 2 nước, việc giao thương, qua lại được siết chặt. Hơn 8 tháng qua, nông dân 2 bên biên giới không thể qua lại. Việc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cũng bị gián đoạn. Nhiều nông dân ở 2 bên có mối quan hệ thân thiết, vẫn giữ liên lạc và trao đổi với nhau qua điện thoại, thiết bị công nghệ,…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết: “Nhiều năm qua, nông dân 2 nước thường xuyên giao lưu, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, nông dân 2 nước còn trao đổi hàng hóa, nông sản. Nhiều loại nông sản ở nước ta như thanh long, mít,… được nước bạn hỗ trợ tiêu thụ khi gặp tình trạng ùn ứ, giảm giá. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 mà người dân tạm thời không thể qua lại, trao đổi, buôn bán,…”.
Nông dân nước bạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất
Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Hoàng Duy III (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) chia sẻ, những năm trước, nhiều nông dân từ Campuchia thường xuyên qua lại địa phương để mua máy móc, phân bón, thuốc và tìm hiểu cách sử dụng hiệu quả. Do dịch bệnh không được qua lại nữa, một số khách quen bên Campuchia vẫn gọi điện hỏi về tên và cách dùng các loại thuốc trị bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá,… để tìm mua và sử dụng.
Anh Lê Văn Thành, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, chia sẻ, từ năm 2013, anh bắt đầu sang huyện Kampong Traebeak, tỉnh Prey Veng, Campuchia, thuê 6ha đất để trồng lúa. Thời gian đầu rất khó khăn, anh phải mất 2 vụ lúa để vừa sản xuất, vừa cải tạo, rồi dần dần năng suất lúa cũng tăng, tuy nhiên vẫn không cao như canh tác bên nước mình. “Sau nhiều năm làm lúa bên đó, tôi có thêm nhiều người bạn Campuchia. Chúng tôi thường xuyên trao đổi và hỗ trợ nhau trong trồng lúa. Hiện nay, do dịch bệnh nên chúng tôi chỉ thăm hỏi sức khỏe và trao đổi kinh nghiệm trồng lúa qua điện thoại” - anh Thành chia sẻ thêm.
Có thể thấy, sự chia sẻ, hướng dẫn của nông dân Việt Nam đã góp phần giúp việc canh tác nông nghiệp của nông dân Campuchia ngày càng thuận lợi, đạt hiệu quả. Qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia./.
Trước đây, nông dân 2 bên thường xuyên qua lại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệp sản xuất nông nghiệp với nhau. Đồng thời, ngành nông nghiệp địa phương cũng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp và thường xuyên trao đổi về tình hình sản xuất, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm với ngành nông nghiệp tỉnh bạn để tăng khả năng dự báo và chủ động hơn trong sản xuất cũng như phòng trừ dịch bệnh”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng -
Huỳnh Văn Lâm
|
Bùi Tùng