Tiếng Việt | English

02/04/2021 - 09:06

Hiệu quả liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh GlobalGAP

Giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) tiên tiến, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản, tạo đầu ra ổn định cho nông sản,... là hiệu quả từ việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh GlobalGAP mang lại trong thời gian qua.

Thay vì trồng chanh theo phương thức truyền thống, ít ứng dụng KHKT như nhiều nông dân khác ở địa phương, anh Huỳnh Hậu Tiến, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mạnh dạn liên kết với Công ty (Cty) TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ sản xuất chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất sang thị trường châu Âu ngay từ những ngày đầu chuyển đổi 10ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng chanh. Theo đó, trên diện tích 10ha đất trồng chanh, anh Tiến tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu từ khâu chọn giống, triển khai trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Trong đó, anh đặc biệt chú ý áp dụng kỹ thuật trồng thưa, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thay vào đó là tăng cường sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ,… góp phần bảo đảm cho trái chanh không tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đủ tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu - một trong những thị trường khó tính của thế giới.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ đang liên kết thu mua hơn 1.000ha chanh, trong đó có 200ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGap, số còn lại sản xuất theo quy trình TFA

Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT theo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP giúp vườn chanh của anh Tiến hạn chế sâu, bệnh, cây phát triển tốt, đạt năng suất 25 tấn/ha/năm, cao hơn bên ngoài 5 tấn/ha/năm. Chưa dừng ở đó, khi áp dụng tiến bộ KHKT theo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP còn kéo dài tuổi thọ cây chanh lên 10 năm; đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Anh Tiến bộc bạch: “Trồng chanh theo tiêu chuẩn GlobalGap, bình quân mỗi hécta, tôi chỉ trồng 450 gốc (ở ngoài là 600-700 gốc); được Cty cử đội ngũ kỹ sư xuống hướng dẫn, chăm sóc vườn chanh thường xuyên và hỗ trợ xây dựng nhà kho, hố xử lý chanh bệnh,…Trong thời kỳ hội nhập, để được ổn định về đầu ra nông sản, trong đó có cây chanh thì đòi hỏi nông dân phải đặt chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm lên trên hết. Vì vậy, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là điều kiện bắt buộc đối với nông dân hiện nay và cả trong tương lai”.

Vốn là “tay ngang” chuyển đổi từ đất trồng mía cho năng suất, lợi nhuận thấp sang trồng chanh, anh Lê Văn Đặng, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí không dám đầu tư mạnh. Thế nhưng, từ khi ký kết hợp đồng liên kết với Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ, anh lại trở thành nông dân giỏi ứng dụng KHKT vào sản xuất chanh. Nhìn vườn chanh của anh Đặng trái sum suê, xanh mượt, không tìm thấy vết tích của sâu, bệnh, cành vượt, cành khô, thậm chí trái hư, trái thối,… càng minh chứng cho sự liên kết hiệu quả này.

Anh Huỳnh Hậu Tiến sản xuất 10ha chanh theo hướng GlobalGAP, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Anh Đặng chia sẻ: “Sau khi liên kết, cán bộ Cty đồng hành trong tất cả các khâu sản xuất, nhất là đầu ra sản phẩm ổn định, bán giá cao hơn thị trường từ 3.000-4.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm 15-20% so với trước đây. Ngoài ra, gia đình tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả còn lại sang trồng chanh. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, đời sống không ngừng nâng lên, tất cả là nhờ cây chanh”.

Hiện diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP giữa nông dân Long An và Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ khoảng 200ha. Đến cuối năm 2021, diện tích này sẽ tăng lên 260ha và tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Trưởng vùng nguyên liệu Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ - Hồ Vũ Khanh thông tin: “Hiện nay, Cty liên kết thu mua hơn 1.000ha chanh, trong đó có 200ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGap, số còn lại sản xuất theo quy trình TFA. Dự kiến hàng năm, Cty sẽ tăng thêm 30% diện tích trồng chanh theo hướng GlobalGap tại Long An. Thông qua liên kết giữa Cty và nông dân, Cty sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, hướng đến sản xuất sạch, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thay vào đó hướng đến thị trường châu Âu. Sau thời gian liên kết, tất cả người dân tham gia liên kết đều chấp hành tốt quy trình sản xuất của Cty đưa ra, nhất là chưa có nông dân nào bỏ liên kết”.

Có thể thấy, mô hình liên kết giữa Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ và nông dân trồng chanh trên địa bàn tỉnh đang mang lại nhiều hiệu quả và đầy tiềm năng, góp phần cho tỉnh phát triển mô hình gắn với Đề án Ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây chanh, thúc đẩy mặt hàng nông sản của địa phương ngày càng phát triển nhanh, bền vững./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết