Tiếng Việt | English

10/11/2017 - 01:20

Bến Lức ứng dụng công nghệ cao trong trồng chanh

Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tăng diện tích chanh được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP lên 1.200ha xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây chanh.

Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Thuận thông tin: Hiện, huyện có trên 5.000ha chanh, chủ yếu là chanh không hạt. Thời gian qua, diện tích chanh tăng nhanh do giá cả và đầu ra khá ổn định. Bến Lức xây dựng Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây chanh (gọi tắt là chương trình ƯDCNC) tại 5 xã: Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Lợi, Thạnh Hòa và Bình Đức. Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện có 1.200ha chanh đạt chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường
châu Âu.

Ông Phan Văn Dụng điều khiển hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nướcĐể đẩy mạnh chương trình ƯDCNC, huyện hỗ trợ nông dân cây giống sạch bệnh (12 mô hình với 3.000 cây), thực hiện cánh đồng phòng trừ sâu, bệnh (xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa với 40ha), hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm (4 mô hình với 3,8ha), tổ chức 30 cuộc tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật canh tác và quản lý sâu, bệnh,... Ông Phan Văn Dụng (ấp 9, xã Lương Hòa) trồng 1ha chanh hơn 2,5 năm nay. Tháng 3/2017, ông được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm và tự động. Theo ông Dụng, sau khi được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bình quân 5 ngày, ông mới tưới chanh 1 lần (mùa khô). Mỗi lần tưới bình quân 6 phút/gốc, mỗi gốc chanh được tưới 20 lít nước. Thuận lợi của hệ thống tưới này so với tưới thủ công là kiểm soát tốt lượng nước đầu vào, tránh thừa hay thiếu hụt.

Thấy lợi nhuận từ trồng chanh cao, tháng 6/2016, gia đình bà Cổ Thị Bạch Tuyết (ấp 9, xã Lương Hòa) đầu tư thêm 850 gốc. Trong số chanh trồng mới, bà được hỗ trợ 240 gốc chanh sạch bệnh từ chương trình ƯDCNC.

Bà Bạch Tuyết nói: “850 gốc chanh trồng đến nay hơn 1 năm và cho trái gần 3 tháng. Những gốc chanh được hỗ trợ từ chương trình ƯDCNC có chất lượng tốt hơn hẳn so với gốc chanh mua ở thị trường: Gốc to khỏe, cây phát triển nhanh, ít sâu, bệnh trong quá trình sinh trưởng và năng suất cao hơn 30%; trái đẹp, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu”.

Bà Cổ Thị Bạch Tuyết chăm sóc vườn chanhNgoài những hộ được hỗ trợ kinh phí từ chương trình ƯDCNC, nhiều hộ dân trong huyện còn được các ngành chức năng tuyên truyền và mạnh dạn ƯDCNC vào sản xuất. Điển hình như anh Lê Văn Trung, ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi đầu tư hệ thống tưới tự động cho 9ha chanh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Trung nói: “Ứng dụng hệ thống tưới tự động giúp gia đình tôi giảm chi phí lao động và chủ động được thời gian, tưới cùng lúc, kịp thời rửa sạch cây nếu gặp thời tiết có sương muối”.

Tìm đầu ra ổn định

Ông Lê Văn Thuận chia sẻ: “Hiện nay, nông dân trồng chanh không ngại ƯDCNC trong sản xuất nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra sản phẩm”. Nhiều nông dân trồng chanh theo hướng VietGAP nhưng đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Cụ thể, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ chỉ bao tiêu khoảng 400ha chanh. Số lượng chanh còn lại tiêu thụ tại các chợ, siêu thị trong nước và ở một số nước bạn theo đường tiểu ngạch.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho rằng: “Mục tiêu của Bến Lức trong việc đẩy mạnh ƯDCNC trên cây chanh nhằm tìm đầu ra ổn định cho trái chanh. Việc kết nối giao thương tiêu thụ chanh không hạt và thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ được lãnh đạo tỉnh, huyện và các ngành chức năng quan tâm thực hiện”. Ông đề xuất, để thực hiện tốt chương trình ƯDCNC trên cây chanh và tiêu thụ chanh bền vững, mối liên kết 4 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) cần được đẩy mạnh và thắt chặt hơn nữa. Bên cạnh đó, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác có mối liên kết với doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ quy trình hướng dẫn của ngành chức năng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích