Tiếng Việt | English

27/10/2020 - 23:50

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nông dân phấn khởi vì chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nông dân phấn khởi vì chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Toàn huyện quy hoạch hơn 10.000ha lúa chất lượng cao tại 5 xã: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và Bắc Hòa, trong đó đã thực hiện được 4.427ha lúa ứng dụng công nghệ cao, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 2,5-3 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đang được người dân hưởng ứng tích cực. Toàn huyện có hơn 5.840ha cây ăn trái, trong đó có những loại cây như mít, sầu riêng, chanh, cam,... được đánh giá thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. 2 năm qua, ông Huỳnh Văn Tốt (xã Tân Hòa) cải tạo hơn 8.000m2 vườn tạp, trồng hơn 1.000 cây mít. Đây là loại cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, cho thu nhập cao.

Cùng với chuyển đổi cây trồng, huyện cũng rất quan tâm đến công tác chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Hiện toàn huyện có hơn 1.100ha nuôi trồng thủy sản đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười. Ông Nguyễn Văn Lẫm (xã Tân Hòa) áp dụng mô hình nuôi lươn trong bể ximăng. Hiện ông xây dựng 8 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 6m2 với mật độ nuôi 2.000 con. Bình quân mỗi đợt nuôi từ 9-10 tháng, ông thu lợi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, có thời điểm, nông dân gặp khó khăn, nhất là ươm cá tra giống ồ ạt không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, huyện cần có giải pháp thiết thực hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất và quan tâm hơn nữa việc rà soát, bổ sung quy hoạch, sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng được nhu cầu thị trường./.

Duy Thanh

 

Chia sẻ bài viết