Tiếng Việt | English

13/04/2022 - 10:14

Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa thông minh

Tình trạng hạn, xâm nhập mặn đã và đang tác động đến sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nếp ở huyện Thủ Thừa nói riêng. Vì vậy, việc áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Trong vụ Đông Xuân 2021-2022, Hội Nông dân (HND) các cấp của huyện Thủ Thừa cùng phối hợp chặt chẽ các ngành chuyên môn thực hiện thành công mô hình về canh tác lúa thông minh trên địa bàn xã Mỹ Lạc.

Tham gia mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vụ Đông Xuân 2021-2022, nông dân được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa

Tham gia mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vụ Đông Xuân 2021-2022, nông dân được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa

HND xã Mỹ Lạc phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cùng các hộ nông dân triển khai mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH vụ Đông Xuân 2021-2022 với quy mô 2ha/4 hộ (0,5ha/hộ), được thực hiện tại ấp Cầu Lớn. Mô hình này sử dụng giống lúa IR 46-25 có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Lượng giống sử dụng trong mô hình 60kg/ha. Cùng với đó, việc sử dụng phân bón thông minh giúp tăng hiệu quả cải tạo đất, kích thích bộ rễ cây lúa phát triển tốt, hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm sâu, bệnh do bón phân thừa đạm, khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ và sử dụng phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.

Theo đánh giá của HND xã Mỹ Lạc, mô hình trình diễn thực hiện đúng tiến độ; kết quả đạt theo mục tiêu và yêu cầu đề ra. Mô hình có tổng chi phí từ 16.985.000 - 20.410.000 đồng/ha, đối chứng có chi phí trung bình 17.231.000 đồng/ha. Lợi nhuận ước tính từ 23.525.000 - 24.786.000 đồng/ha, lợi nhuận của đối chứng 23.314.000 đồng/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn đối chứng khoảng 6%.

Theo Chủ tịch HND huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Như, việc thực hiện mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH vụ Đông Xuân 2021-2022 giúp nông dân thấy được hiệu quả của việc áp dụng cơ giới, giảm lượng giống gieo sạ; tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất lúa; nông dân còn được tiếp cận các sản phẩm phân bón Đầu Trâu mới, hiệu quả cao, hạn chế thất thoát trong canh tác. Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn thực hiện sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa, làm quen việc ghi nhận tình hình sinh trưởng của cây lúa và hạch toán hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH./.

Hoài Đăng

Chia sẻ bài viết