Tiếng Việt | English

04/01/2020 - 10:35

Chuyện nghề múa lân

Dù nghề nghiệp, tuổi tác, hoàn cảnh khác nhau nhưng những người theo đuổi bộ môn nghệ thuật lân, sư, rồng có chung một ước muốn được “cháy” hết mình với ngọn lửa đam mê. Thế nhưng, ít ai biết được, đằng sau những màn biểu diễn ấn tượng là cả một quá trình tập luyện gian nan, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp.

Trình diễn trên giàn Mai Hoa Thung đòi hỏi người múa lân phải có sự dẻo dai, chuẩn xác trong từng động tác

Trình diễn trên giàn Mai Hoa Thung đòi hỏi người múa lân phải có sự dẻo dai, chuẩn xác trong từng động tác

Gian nan tập luyện

Chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Huỳnh Ngọc Xuân (Huấn luyện viên Câu lạc bộ (CLB) Lân sư rồng Long Hoa Đường) tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An vào một ngày cuối tuần. Giọng đầy phấn khởi, anh kể về tình yêu dành cho bộ môn lân, sư, rồng. Trên 20 năm gắn bó với nghệ thuật lân, sư, rồng là cả một hành trình gian nan tập luyện của anh Xuân. “Có lẽ niềm đam mê ấy ăn sâu vào máu thịt tôi ngay từ nhỏ. Ngày ấy, cứ vào mỗi dịp tết, được nghe tiếng trống múa lân vang lên là tôi nôn nao khó tả. Những đứa trẻ trong xóm có dịp rủ nhau đi xem những pha xoay, lộn, chồm người hấp dẫn. 

Không biết từ lúc nào mà múa lân trở nên gần gũi và thân thuộc như một phần cuộc sống của tôi” - anh Xuân chia sẻ. 

Năm 17 tuổi, anh Xuân tham gia CLB Lân sư rồng Long Hoa Đường và được học về kỹ thuật múa, biểu diễn võ thuật và phổ biến nội công. Nhờ tích cực tập luyện, chỉ vài năm sau, anh Xuân có thể tập leo cây và múa trên giàn Mai Hoa Thung - bài tập khó cần có sự khéo léo, ăn khớp giữa đầu và đuôi. Mai Hoa Thung đòi hỏi người múa phải biết võ và múa lân truyền thống thành thạo. Anh Xuân cho biết: “Nghề này đòi hỏi phải có sự gan dạ, hành động quyết đoán và độ chính xác cao. Để có màn trình diễn ấn tượng, người múa không chỉ có kỹ thuật tốt mà còn phải thả hồn vào những chú lân. Trong các buổi tập, chúng tôi thường chia thành 2 đội: Đội lân và đội rồng. Ai có thế mạnh nào thì tập cái đó. Chuyện bầm tím tay, chân trong các buổi tập luyện đã không còn xa lạ, nhất là tập bật nhảy qua những cây cột cao của bài Mai Hoa Thung”.

Là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị chấn thương do thực hiện các động tác khó nhưng thu nhập từ múa lân rất ít nên mỗi người phải tìm cho mình một nghề khác để trang trải cuộc sống. Hiện anh Xuân làm nghề sửa điện ôtô để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, mỗi khi có show là anh sẵn sàng gác lại công việc, theo chân đoàn lân đi biểu diễn.

Khát khao biểu diễn

Dù bận rộn với công việc dán decal, keo xe tại một cửa hàng trên địa bàn TP.Tân An nhưng cứ vào 19 giờ mỗi ngày, anh Hồ Dương Hiệp (phường 1, TP.Tân An) lại tham gia tập luyện cùng đội lân. Ở tuổi 28, anh có 18 năm gắn bó với nghề múa lân, sư, rồng. “Lúc còn nhỏ, mỗi lần nghe tiếng trống, khua chiêng là tôi liền chạy theo đội múa lân. Về nhà, tôi lấy nắp xoong, thùng đựng nước ra tập đánh chiêng, trống. Đến năm 10 tuổi, tôi xin vào đội múa lân. Lúc đó, điều kiện còn thiếu thốn lắm. Đội lân chỉ có 2 chú lân và 1 cái trống, không có xe để đi biểu diễn nên mọi người phải đi bộ. Tôi có năng khiếu về đánh trống nên được những người đi trước hướng dẫn và đảm nhiệm đến bây giờ. Ban đầu, gia đình không ủng hộ nhưng sau này thấy tôi đam mê bộ môn này nên không còn ngăn cấm nữa. Hiện giờ, 3 anh em tôi đều tham gia đội lân”.

Ngày nay, múa lân, sư, rồng không chỉ phổ biến vào các dịp Tết Nguyên đán, Trung thu mà còn xuất hiện ở các sự kiện khai trương, động thổ, tân gia,…

Ngày nay, múa lân, sư, rồng không chỉ phổ biến vào các dịp Tết Nguyên đán, Trung thu mà còn xuất hiện ở các sự kiện khai trương, động thổ, tân gia,…

Tiếng trống múa lân ngoài việc mang lại không khí rộn ràng còn là tín hiệu để các thành viên phối hợp nhau. Khi tiếng trống vang lên là lúc những chú lân thể hiện những điệu vờn, nhảy và chòng người điêu luyện. Do đó, anh Hiệp phải thuộc nhuần nhuyễn các bài múa và tiết tấu nhạc điệu để có thể phô diễn khả năng và khát khao biểu diễn của mình. Khi chúng tôi hỏi tại sao nghề múa lân nhiều nguy hiểm, thu nhập không cao nhưng vẫn theo thì anh vui vẻ trả lời: “Nếu nói kiếm sống bằng nghề này thì chắc những người múa lân như chúng tôi không sống nổi. Thế nhưng, mình được sống với đam mê, thỏa sức biểu diễn là hạnh phúc rồi!”.

Vượt qua mọi khó khăn, hạnh phúc của những người đam mê bộ môn nghệ thuật lân, sư, rồng chính là mang niềm vui đến cho mọi người và góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệpTìm hiểu cv là gì
Liên kết hữu ích