Những công trình điển hình từ nguồn vốn đầu tư công
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, kế hoạch thực hiện vốn năm 2014-2016 trên 9.100 tỉ đồng cho 3.363 dự án; giá trị giải ngân hàng năm trên 96% kế hoạch. Hàng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí vốn đầu tư công, giao vốn kịp thời và đúng quy định pháp luật. Bên cạnh việc giao vốn, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, đơn vị thi công giải ngân sớm và thực hiện công trình. Trong 3 năm qua cho thấy, đa số chủ đầu tư quan tâm triển khai thực hiện sớm các công trình, nhất là các công trình trọng điểm.
Cầu Long Kim - cầu đầu tiên trên tuyến Đường tỉnh 830 (đoạn Bến Lức - Tân Tập) mới hoàn thành trên 60% khối lượng thi công, một phần do vướng giải phóng mặt bằng
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang đánh giá: “Thời gian qua, trong đó có giai đoạn 2014-2016, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh và các quy định của pháp luật về đầu tư công đạt nhiều kết quả tích cực. Điển hình là các công trình phục vụ kết cấu hạ tầng: Nhà Thiếu nhi tỉnh; công trình mở rộng, nâng cấp Đường tỉnh (ĐT) 830 (đoạn Bến Lức - Tân Tập); các trường học, trạm y tế, công trình văn hóa, hệ thống thủy lợi ngăn mặn;... Bộ mặt của tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại. Đặc biệt, các công trình hạ tầng góp phần thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh không ngừng phát triển”.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều: “Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đa số được thực hiện đúng quy định. Song song đó, công tác giám sát đầu tư, giám sát thi công, giám sát hiệu quả sử dụng một số công trình còn hạn chế và sẽ được sở khắc phục trong thời gian tới”.
Công trình Nhà Thiếu nhi tỉnh là công trình tiêu biểu, có nguồn vốn đầu tư trên 40 tỉ đồng. Sau thời gian thi công, công trình đưa vào sử dụng giữa năm 2015, Trưởng phòng Hành chính Nhà Thiếu nhi tỉnh - Lê Tùng Đức cho biết: "So với trước đây, công trình Nhà Thiếu nhi được xây dựng khang trang và bề thế hơn, là sân chơi thu hút thiếu nhi TP.Tân An và các huyện lân cận tham gia sinh hoạt. Công trình còn là niềm tự hào của TP.Tân An trong tiến trình vươn lên đô thị loại II vào năm 2020".
Công trình Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức vẫn chưa hoàn thiện
Công trình ĐT819 (đường cặp kênh 79) là công trình phục vụ phát triển kinh tế - quốc phòng khu vực Đồng Tháp Mười và vùng biên giới, kết nối Long An với tỉnh Đồng Tháp, An Giang; hiện nay, công trình được đưa vào khai thác, sử dụng. ĐT819 cùng với kênh 79 là tuyến giao thông thủy - bộ huyết mạch, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cho vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và vùng lân cận.
Công trình ĐT817 (Vàm Thủ - Bình Hòa Tây) góp phần thúc đẩy KT-XH các xã cặp sông Vàm Cỏ Tây, sát với biên giới Campuchia của huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, công trình còn góp phần chia sẻ áp lực giao thông trên Quốc lộ 62, thúc đẩy phát triển đô thị Bình Phong Thạnh trong tương lai. Nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Phong Thạnh - Hồ Văn Gánh cho biết: "Từ khi ĐT817 hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng, hơn 2/3 tuyến đường được tráng nhựa, bộ mặt nông thôn của các xã có tuyến đường đi qua thay đổi hẳn; người dân xã Bình Phong Thạnh đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, các nhà đầu tư đến xã đầu tư phát triển dịch vụ, sản xuất. Khu đô thị Bình Phong Thạnh - trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của huyện Mộc Hóa ngày càng mở rộng và khởi sắc".
Đẩy mạnh phân cấp, tập trung đầu tư công trình dang dở
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Cang: "Thời gian tới, để lĩnh vực đầu tư công đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện phân cấp quản lý đầu tư công, nhất là phân cấp nguồn vốn xổ số kiến thiết hỗ trợ huyện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (có chủ trương của Tỉnh ủy và Thường trực HĐND). Hiện nay, các văn bản pháp luật đã phân cấp các tuyến kênh, mương nội đồng cho cấp huyện quản lý nên thời gian tới, cần phân cấp mạnh mẽ việc nạo vét các công trình thủy lợi với đa mục tiêu cho cấp huyện nhằm bảo đảm tiêu chí nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn".
Khó khăn và hạn chế chính của việc đầu tư công hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi bị vướng rất nhiều làm chậm tiến độ dự án. Nguyên nhân chính do một số người dân vì lợi ích cá nhân chưa đồng thuận đơn giá bồi thường, các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm gặp khó khăn trong khâu vận động 100% người dân đồng ý hiến đất, việc chỉnh lý biến động đất đai vẫn chưa thực hiện được do ngân sách có hạn.
Chuyên viên ban Quản lý dự án công trình giao thông - Nguyễn Xuân Tường cho biết: "Đến nay, tiến độ xây dựng cầu Long Kim (đoạn Bến Lức - Tân Tập ĐT830) hoàn thành việc gác dầm, đang làm mố cầu và đường dẫn lên cầu hoàn thành trên 60% khối lượng. Công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn, đến nay, còn một hộ dân chưa kịp thời tháo dỡ để thi công đường dân sinh hai bên cầu".
“Công trình trọng điểm nâng cấp, mở rộng ĐT830 (đoạn Bến Lức - Tân Tập) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ, tổng mức đầu tư 623 tỉ đồng, đến nay triển khai 4 gói thầu. Công tác thi công, tiến độ triển khai công trình ảnh hưởng rất nhiều bởi công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn thuộc huyện Cần Đước, giá trị nợ khối lượng toàn dự án là 160 tỉ đồng” - Phó Giám đốc ban Quản lý dự án công trình giao thông - Nguyễn Minh Hậu cho biết.
Một số công trình văn hóa chưa được sử dụng thường xuyên (ảnh minh họa)
"Trước mắt, các cấp, các ngành, nhất là chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát công trình còn dang dở, thúc đẩy đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là những công trình ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, đời sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như học tập của người dân. Hạn chế tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, việc tổng hợp số liệu thống kê báo cáo về nợ đọng chưa được thực hiện chính xác, đầy đủ làm ảnh hưởng đến định hướng, quan điểm chỉ đạo trong đầu tư công. Việc bố trí vốn cho một số công trình còn dàn trải, ghi vốn kéo dài so với quy định, chưa tập trung đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, gây bức xúc trong dư luận" - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang cho biết thêm.
HĐND tỉnh đề nghị: Thời gian tới, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng cơ bản, hạn chế phát sinh công trình ngoài kế hoạch. Đặc biệt, đầu tư phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, làm dứt điểm từng công trình để đưa vào khai thác, sử dụng./.
Khó khăn và hạn chế chính của việc đầu tư công hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi bị vướng rất nhiều làm chậm tiến độ dự án. Nguyên nhân chính do một số người dân vì lợi ích cá nhân chưa đồng thuận đơn giá bồi thường, các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm gặp khó khăn trong khâu vận động 100% người dân đồng ý hiến đất, việc chỉnh lý biến động đất đai vẫn chưa thực hiện được do ngân sách có hạn. |
H.Đăng