Tiếng Việt | English

01/06/2017 - 18:56

Long An tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Ngày 01/6, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Long An có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật đầu tư công giai đoạn 2014-2016 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh quản lý, phân bổ và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh.


Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh, việc đầu tư công cho phát triển là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên, nợ công phải trong tầm kiểm soát

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kế hoạch thực hiện vốn năm 2014 - 2016 trên 9.100 tỉ đồng cho 3.363 dự án; giá trị giải ngân hàng năm trên 96% kế hoạch.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2014-2016, Long An thực hiện đầu tư công từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 2.029 tỉ đồng với 429 dự án; giá trị giải ngân trong 2 năm 2014-2015 trên 91%, riêng năm 2016 đạt trên 82%.

Vốn đầu tư công giai đoạn 2014-2016 được thực hiện theo hướng dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế: Việc bố trí vốn chưa tập trung, còn dàn trải, chưa tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí về quản lý đầu tư công, nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) có lúc còn lớn.

Theo đánh giá, một số dự án ngành Y tế chậm tiến độ, các nguồn vốn mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bố trí vốn chậm trễ, chủ đầu tư thực hiện dự án không kịp do phải vận động nhân dân đóng góp, có một số vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng chủ đầu tư cấp huyện không đề nghị chuyển vốn sang thực hiện dự án khác dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, hoặc không giải ngân được.

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn cũng ghi nhận ý kiến qua giám sát tại các địa phương, đơn vị, đặc biệt là tình hình lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự án tại một số nơi làm chậm, không đánh giá đúng dự án dẫn đến phát sinh thêm hạng mục; các sai sót trong thiết kế dự toán khi thi công làm phát sinh thêm vốn đầu tư, gây chậm trễ thời gian thi công.

Công tác đấu thầu chưa đạt hiệu quả, có nhiều nhà thầu không có năng lực thi công, yếu về tài chính phải xử lý phát sinh ngoài hợp đồng, ngoài thiết kế dự toán. Tỷ lệ chỉ định thầu các gói thầu nhỏ vẫn còn cao. Qua thanh tra, kiểm tra và giám sát, phát hiện công tác quản lý đầu tư còn yếu, hiệu quả sử dụng công trình, dự án chưa cao, nhất là công trình về văn hóa, thể thao, tình trạng nợ đọng XDCB khá lớn, việc đấu thầu chưa mang tính cạnh tranh, hồ sơ mời thầu chưa đúng quy định, nhiều dự án phải điều chỉnh bổ sung khối lượng phát sinh, gây bức xúc dư luận...

Các sở, ngành, UBND tỉnh và đoàn giám sát nhất trí cao việc cần sớm có cơ chế phân cấp quản lý và sử dụng vốn, nhất là trong lĩnh vực thủy lợi, nông nghiệp để các địa phương chủ động hơn trong việc sử dụng vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý điều hành của cấp cơ sở.

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh: Việc đầu tư công cho phát triển là nhu cầu tất yếu, tuy nhiên, nợ công phải trong tầm kiểm soát. Các công trình trước khi thi công phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ năm 2018 trở đi, lưu ý các địa phương, đơn vị nếu có ghi vốn thì phải có công trình. Các công trình sẽ được đầu tư trọn gói, làm tốt công tác đánh giá hiệu quả công trình sau khi đi vào sử dụng, nhất là các công trình trong lĩnh vực văn hóa.

Ông Trần Văn Cần cũng lắng nghe các ý kiến tại buổi giám sát để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong việc đầu tư vốn cho duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, hiện chỉ đáp ứng 40 đến 50% nhu cầu thực tế. Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Tài nguyên - Môi trường có ý kiến về việc phân bổ vốn điều chỉnh biến động đất đai ven các công trình giao thông. Đối với các công trình vận động nhân dân đóng góp, theo nguyên tắc nhân dân đồng ý mới thi công, nơi nào chưa đồng ý thì kiên trì vận động.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang kết luận: Trong 3 năm 2014-2016, việc đầu tư công, XDCB từ các nguồn vốn mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, việc dành nguồn lực cho đầu tư công vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn; cụ thể, trong 3 năm qua chỉ mới dành 30% vốn chi hàng năm cho đầu tư phát triển, thời gian tới nâng tỷ lệ lên 40% nguồn chi dành cho đầu tư công.

Đặc biệt, qua giám sát cho thấy, việc điều chuyển vốn diễn ra khá phổ biến, trung bình hàng năm trên 100 tỉ đồng, việc xử lý chủ đầu tư nhà thầu kém năng lực chưa đạt hiệu quả dẫn đến việc quản lý đầu tư còn lỏng lẻo. Sắp tới, HĐND tỉnh yêu cầu cấp có thẩm quyền kiên quyết chỉ đạo chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm, thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư công và XDCB. Chính quyền cơ sở làm tốt công tác GPMB, chỉnh lý biến động đất đai, đặc biệt, phân cấp mạnh cho địa phương, tăng cường công tác thanh - kiểm tra trong lĩnh vực đầu tư công, kiên quyết xử lý những sai phạm./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết