Khơi dậy sức dân
Thực hiện Kế hoạch số 376/KH-UBND, ngày 29/01/2016 của UBND tỉnh Long An về thi đua DVK giai đoạn 2016-2020, các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế và hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp triển khai tổ chức thực hiện. Đến nay, có hơn 2.672 mô hình DVK được triển khai thực hiện tại các địa phương, trong đó có 377 mô hình mới. Ngoài ra, khối các cơ quan, doanh nghiệp cũng xây dựng được 206 mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.
Đường giao thông ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường được tráng bêtông với kinh phí do nhân dân đóng góp
Nổi bật nhất có thể kể đến các mô hình vận động xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn: Cầu, đường giao thông, đê bao lửng, nhà văn hóa ấp, đài nước,... Đặc biệt, có những công trình huy động sự đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp lên đến hàng chục tỉ đồng như các công trình giao thông tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành với số tiền đóng góp trên 12,5 tỉ đồng; mô hình xây dựng công trình giao thông nông thôn tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, vận động người dân hiến 22ha đất;...
Có được kết quả trên, trước hết phải kể đến thành công từ công tác tuyên truyền. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở, tăng cường vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thường xuyên nắm tình hình địa phương, tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, tạo được niềm tin với nhân dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Kiệt - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp (địa phương về đích nông thôn mới đầu tiên của thị xã Kiến Tường), muốn dân tin và làm theo thì trước hết, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, đồng thời công khai, minh bạch trong mọi hoạt động. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, hầu hết các công trình ở ấp đều nhận được sự đồng tình cao, trong đó, nhiều công trình do nhân dân góp vốn 100% và tự bỏ công để thực hiện.
Lan tỏa sâu, rộng
Cùng với tuyên truyền, vận động, các cấp ủy Đảng, chính quyền còn tạo điều kiện để người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng và phát triển quê hương. 3 năm qua, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, vận động người dân hiến 18.200m2 đất và đóng góp trên 3,3 tỉ đồng để mở rộng, xây dựng 10 tuyến đường giao thông nông thôn. Đồng thời, người dân còn thực hiện mô hình Ánh sáng khu dân cư phòng gian, với sự tham gia của 3.272/3.602 hộ, kinh phí do người dân đóng góp 100%. Từ khi có mô hình này, số vụ trộm cắp, tệ nạn xã hội giảm 90% so với trước đây.
Mô hình Lò đốt rác ở khu dân cư (ấp 6, xã Phước Đông), góp phần bảo vệ môi trường
Thực hiện tiêu chí môi trường, nhằm sớm đưa Phước Đông về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018, MTTQ xã vận động người dân tham gia mô hình Lò đốt rác ở khu dân cư. “Trước đây, người dân chưa được hướng dẫn về việc phân loại, xử lý rác. Tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường. Từ khi địa phương triển khi xây dựng lò đốt rác, tình trạng trên được cải thiện rõ rệt, người dân rất đồng tình” - bà Nguyễn Thị Minh Truyến, ngụ ấp 6, vui mừng nói.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào DVK đã làm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Được sự giới thiệu của Đảng ủy xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, chúng tôi đến gặp ông Trần Văn Thơ, ngụ ấp Bảy Mét, một trong những cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác vận động ở địa phương. Với thu nhập chủ yếu từ nghề chạy xe Honda ôm, cuộc sống không mấy dư dả, ấy vậy mà, từ nhiều năm nay, ông Thơ vận động xây dựng hàng chục cây cầu giao thông nông thôn, tặng hàng ngàn phần quà cho hộ nghèo, người già neo đơn, xây dựng nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo,... “Muốn vận động đạt hiệu quả thì bản thân mình phải đóng góp trước. Bên cạnh đó, để người dân tin và ủng hộ thì mình phải phân tích, giải thích cho người ta thấy được vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa của việc làm đó. Một khi “thông” về tư tưởng thì việc huy động sức dân không còn là trở ngại” - ông Thơ bộc bạch.
Công trình cầu giao thông nông thôn được xây dựng với sự vận động của ông Trần Văn Thơ
Hiệu quả thiết thực
Với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện, 3 năm qua, phong trào thi đua DVK lan tỏa ngày càng sâu, rộng, khơi dậy được sức mạnh trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, nhất là các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của nghị quyết đại hội Đảng các cấp trong tỉnh.
Một trong những hiệu quả rõ nét của phong trào DVK không thể không nhắc đến đó là sự chung tay của người dân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. 3 năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” không ngừng được nâng lên cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, điển hình tốt: Cổng an ninh, trật tự; Ánh sáng an ninh, trật tự; Camera an ninh; Ánh sáng đường quê,... Hiện nay, các mô hình này được nhân rộng nhiều nơi và phát huy hiệu quả, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự.
Dân vận khéo góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn
Thực hiện Năm Dân vận chính quyền 2018, các cấp ủy Đảng, chính quyền còn quan tâm vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đoàn kết, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xây dựng văn hóa nơi công sở. Phong trào thi đua xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện được tổ chức và phát động rộng khắp. Thông qua các mô hình: 3 không (không trễ hẹn, không bổ sung nhiều lần, không sai sót);Mỗi ngày một việc có ích cho dân; Nụ cười cơ quan; Chào, hỏi, dẫn, giúp; Hết việc không hết giờ,... các cơ quan nhà nước phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân.
Trong nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, nổi lên là khéo tuyên truyền, vận động tập hợp nhân dân tự nguyện tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo nhu cầu, sở thích trong khuôn khổ pháp luật. Song song đó, việc giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước thực hiện có nề nếp, chặt chẽ hơn. Việc đối thoại của bí thư cấp ủy, người đứng đầu UBND các cấp với nhân dân được quan tâm tổ chức thực hiện tốt hơn; sau đối thoại, cơ bản giải quyết được những bức xúc của người dân.
Mô hình Trồng rau ứng dụng công nghệ cao được người dân hưởng ứng và thực hiện đạt hiệu quả
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
An Kỳ