Tiếng Việt | English

04/10/2021 - 12:31

Hồ sơ Pandora tiết lộ bí mật tài sản của những nhân vật quyền lực trên thế giới

Hàng chục lãnh đạo thế giới đã sử dụng các thiên đường thuế ở nước ngoài để che giấu những tài sản trị giá hàng trăm triệu USD, một cuộc điều tra mới của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho hay.

Cuộc điều tra "Hồ sơ Pandora" với sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ các hãng truyền thông lớn như Washington Post, BBC và The Guardian, đã dựa trên sự rò rỉ của 11,9 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên khắp thế giới.

Khoảng 35 nhà lãnh đạo đương nhiệm và các cựu lãnh đạo, những người được nhắc tới trong các tài liệu bị rò rỉ, đang đối mặt với những cáo buộc từ tham nhũng cho tới rửa tiền và trốn thuế.


Theo chiều kim đồng hồ từ trái sang phải: Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Nga Putin, Vua Jorda Abdullah II bin Al Hussein và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Ảnh: AFP

Tại hầu hết quốc gia, ICIJ nhấn mạnh, việc sở hữu các tài sản ở nước ngoài hay sử dụng các công ty ma để kinh doanh xuyên biên giới không phải lúc nào cũng là hành vi bất hợp pháp.

Tuy nhiên, những tiết lộ này có thể khiến một số nhà lãnh đạo rơi vào tình thế bất lợi khi đang tiến hành các chiến dịch công khai chống lại các hành vi trốn thuế và tham nhũng, đồng thời khuyến khích các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong nước.

Đáng chú ý, các tài liệu này cho thấy, Vua Abdullah II của Jordan đã tạo ra một mạng lưới các công ty ở nước ngoài và các thiên đường thuế để tích trữ bất động sản trị giá 100 triệu USD từ Malibu, California cho tới Washington và London. Đại sứ quán Jordan ở Washington từ chối bình luận về việc này, song BBC dẫn lời các luật sư của nhà vua cho biết, tất cả các tài sản trên đều thuộc về quyền sở hữu cá nhân và việc các nhân vật cấp cao mua bán các tài sản qua các công ty nước ngoài vì những lý do riêng tư hay an ninh là điều bình thường.

Gia đình và những quan chức thân cận với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev từ lâu đã bị cáo buộc tham nhũng, được cho là cũng liên quan đến các hợp đồng bất động sản ở Anh trị giá hàng trăm triệu USD.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, người sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử vào cuối tuần này, không bình luận gì về việc ông sử dụng một công ty đầu tư ở nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở phía nam nước Pháp.

ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa khoảng gần 1.000 công ty ở các thiên đường thuế và 336 chính trị gia và quan chức cấp cao, trong đó có hàng chục nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo đất nước, các bộ trưởng, đại sứ và những nhân vật khác. Hơn 2/3 số công ty này được thành lập ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người thường chỉ trích mạnh mẽ các lỗ hổng thuế, dường như cũng có tên trong tài liệu này. Theo đó, ông và vợ ông đã tránh phải nộp khoản thuế trước bạ (stamp duty) một cách hợp pháp đối với tài sản trị giá hàng triệu bảng Anh ở London bằng cách mua một công ty ở nước ngoài sở hữu nó.

Những tiết lộ từ ICIJ cũng bao gồm các thành viên trong nội các của Thủ tướng Pakistan Imran Khan khi những người này được cho là sở hữu bí mật các công ty và các quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD. Trong một loạt tweet, ông Khan khẳng định sẽ điều tra tất cả công dân Pakistan được nhắc đến trong tài liệu này và cho biết: "Nếu có bất kỳ hành động sai trái nào, chúng tôi sẽ thực thi các biện pháp phù hợp".

Tổng thống Putin không được nhắc tên trực tiếp trong tài liệu trên nhưng ông có liên hệ với các tổ chức nắm giữ những tài sản bí mật ở Monaco.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, người đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng và yêu cầu minh bạch tài chính, cùng bị cáo buộc cùng với các thành viên gia đình sở hữu bí mật một mạng lưới các công ty ở nước ngoài.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng được cho là đã chuyển giao cổ phần của ông trong một công ty bí mật ở nước ngoài ngay trước khi ông đắc cử tổng thống năm 2019.

Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ gần đây nhất sau một loạt vụ rò rỉ các tài liệu tài chính trên quy mô lớn như LuxLeaks năm 2014, Hồ sơ Panama năm 2016, Hồ sơ Paradise năm 2017 và Hồ sơ FinCen năm 2020.

Những tài liệu trong cuộc điều tra mới nhất này được dẫn ra từ những công ty dịch vụ tài chính ở những quốc gia và vùng lãnh thổ như: Quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Belize, Đảo Síp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Singapore và Thụy Sĩ./.

Kiều Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết