Thực hiện nhiều giải pháp
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua hơn 4 năm triển khai, thực hiện chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Long An có 147 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, trong đó có 40 sản phẩm 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao. Tập trung vào 4 nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược và thủ công mỹ nghệ.
Để đạt kết quả này, thời gian qua, cùng với nỗ lực của các chủ thể OCOP, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các chủ thể trực tiếp làm ra các sản phẩm OCOP.
Đến đầu năm 2024, huyện Vĩnh Hưng đã có 3 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao, bao gồm cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường tại xã Vĩnh Bình, sản phẩm gạo ĐTM tím lài tại xã Vĩnh Thuận. Trong năm nay, huyện tiếp tục hỗ trợ 2 cơ sở đăng ký sản phẩm OCOP với sản phẩm khô cá và bưởi da xanh, hướng đến mục tiêu đạt từ 3-4 sao.
Những năm qua, huyện luôn quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể OCOP bằng nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, huyện hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3 sao từ nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nguồn hỗ trợ ngành nghề nông thôn.
Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan (huyện Vĩnh Hưng) đang có 9 sản phẩm OCOP 3 sao
Sở hữu 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao (7 sản phẩm chứng nhận tại huyện Bến Lức và 2 sản phẩm chứng nhận tại huyện Vĩnh Hưng), chị Trần Thị Ngọc Lan - chủ Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng), cho biết, khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, số lượng sản phẩm bán ra thị trường tăng cao nhờ được hỗ trợ tem OCOP dán lên sản phẩm. Đồng thời, cơ sở còn được ngành chuyên môn huyện tư vấn về dây chuyền sản xuất, góp phần giảm công lao động, tăng lợi nhuận, hoàn chỉnh về hình thức, giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường,…
Đặc biệt, sau khi đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm được quảng bá rộng rãi tại các cuộc xúc tiến thương mại nên thu hút lượng khách hàng ngày càng nhiều.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Hưng còn quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể OCOP bằng nhiều giải pháp thiết thực khác như phối hợp các sở, ngành liên quan trong tỉnh hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP về việc mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần giúp cơ sở hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất.
Sản phẩm OCOP gạo ĐMT tím lài của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận được trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại của huyện Vĩnh Hưng
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) - Nguyễn Thị Diệu Ngân chia sẻ, hiện HTX có sản phẩm OCOP 3 sao gạo ĐTM tím lài, trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 500kg gạo ĐTM tím lài. “Hiện nay, do chưa có máy tách hạt nên trong sản phẩm còn bị lẫn một ít gạo trắng, làm hạn chế thị trường của gạo ĐTM tím lài.
Vừa qua, các ngành chuyên môn huyện hỗ trợ HTX 50% giá trị của máy tách hạt, số còn lại HTX đang xin vốn vay ưu đãi. Tin chắc rằng, khi sở hữu được máy tách hạt sẽ giúp thương hiệu OCOP gạo ĐTM tím lài vươn xa hơn” - bà Ngân chia sẻ thêm.
Với gần 40ha chanh không hạt sản xuất theo hướng hữu cơ, GlobalGAP và ứng dụng các công nghệ hiện đại, Công ty (Cty) Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) kết hợp các giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học trong và ngoài nước để nghiên cứu, chế biến ra các sản phẩm từ chanh như bột chanh, sốt chanh, tinh dầu chanh,... các sản phẩm này đã được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, ngoài tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước, sản phẩm của Cty còn xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như châu Âu.
Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (huyện Bến Lức) đóng gói sản phẩm từ chanh
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt - Nguyễn Văn Hiển cho biết, trung bình hàng tháng, Cty xuất khẩu đi các nước khoảng 10.000 tấn sản phẩm. Từ khi tham gia sản phẩm OCOP, doanh nghiệp đã thu được nhiều kết quả tích cực, chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì và sản lượng bán ra tăng đáng kể. “Các sản phẩm của Cty đang được bán thông qua nhiều sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước như Amazon, Tiki, Lazada.
Sàn thương mại điện tử của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, Cty cũng có những nhà phân phối khắp cả nước để đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng” - ông Hiển cho biết thêm.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Lãnh đạo Sở Công Thương thăm hỏi, động viên các chủ thể OCOP tham gia hội chợ thương mại tại TP.HCM (ảnh tư liệu)
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, để hỗ trợ, kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, thời gian qua, ngành thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức; đồng thời, gửi những sản phẩm chủ lực của tỉnh để tham gia tại các hội chợ tại thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, ngành cũng liên kết với nhiều doanh nghiệp tư vấn xuất khẩu đến tỉnh để gặp gỡ và kết nối, đưa sản phẩm của Long An giới thiệu tại các thị trường trên thế giới.
Cùng với nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng như cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Bộ Công Thương; phối hợp tham tán thương mại tại nhiều nước để kết nối tiêu thụ cho hàng hóa nông sản; giới thiệu doanh nghiệp Long An tham gia bình ổn thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong nước;...
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; đồng thời, hỗ trợ chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP về trang thiết bị, máy móc, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.
Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh được bán tại các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi và từng bước tiếp cận thị trường nước ngoài.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin, đến thời điểm này, hiệu quả mà chương trình mang lại cho các chủ thể OCOP rất rõ ràng, điều dễ dàng nhận thấy nhất là về bao bì, nhãn mác của sản phẩm, các chủ thể khi tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì, hỗ trợ mã QR, tem truy xuất nguồn gốc,...
Cùng với đó, các sản phẩm OCOP cũng được thương mại hóa và thường xuyên được quảng bá, giới thiệu các các hội chợ thương mạị, hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến,... Đồng thời, các chủ thể OCOP cũng được hỗ trợ, kết nối với nhiều khách hàng tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.
“Thời gian tới, ngành tập trung hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống thương mại điện tử” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin thêm./.
Bùi Tùng - Khánh Duy