Tiếng Việt | English

03/03/2021 - 15:42

Hòa bình Afghanistan: Vấn đề nội bộ hay cuộc cạnh tranh của 2 siêu cường Nga - Mỹ?

Đặc phái viên Mỹ về Afganistan Zalmay Khalizad vừa thảo luận với Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc cấp cao của Afganistan Abdullah Abdullah về các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á này.

Cuộc gặp ngày 1/3 giữa đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và Chủ tịch Hội đồng hòa giải dân tộc cấp cao Abdullah Abdullah là một trong rất nhiều động thái đáng chú ý gần đây xung quanh tiến trình hòa bình tại Afghanistan.


Lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Getty.

Nội dung của cuộc làm việc này là việc chính quyền mới ở Mỹ đánh giá lại thỏa thuận hòa bình ký tại Doha năm ngoái giữa Mỹ và lực lượng Taliban, thúc đẩy tiến trình hòa bình thông qua vòng đàm phán nội bộ Afghanistan thứ 2 tại Doha, giảm bạo lực và cách thức để đẩy mạnh đàm phán và đạt được hòa bình lâu dài tại quốc gia Trung Nam Á này.

Đặc phái viên Khalilzad cam kết Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò thiết thực trong việc đảm bảo hòa bình tại Afghanistan. Đây chỉ là một trong một loạt các cuộc gặp gỡ của đặc phái viên Mỹ về Afghanistan trong chuyến công du khu vực đang diễn ra. Ông Khalilzad cũng có mặt tại Kabul, Doha, và một số nước láng giềng của Afghanistan để thảo luận về bước đi tiếp theo nếu quân đội Mỹ và đồng minh hoãn kế hoạch rút lui khỏi Afghanistan. Đại diện Mỹ cũng có các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo của Taliban để bàn các khả năng mà 2 bên có thể chấp nhận được.

Một thông tin đáng chú ý khác là việc  Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley đã có các cuộc gặp bí mật với các nhà đàm phán hòa bình của Taliban tại Doha. Theo hãng tin AP, cuộc gặp này diễn ra vào hôm qua 2/3, với nội dung chính là thúc giục Taliban giảm bạo lực ngay lập tức ở Afghanistan.

Thông điệp được tướng Mỹ đưa ra với Taliban là ‘mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc có giảm được bạo lực hay không? Đây là lần thứ 2 Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ có cuộc gặp riêng với đoàn đàm phán của Taliban. Hiện tại, chưa có nhiều thông tin về việc nội dung mà các bên liên quan tới tiến trình hòa bình Afghanistan đã thảo luận. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban sẽ phải đàm phán lại, đồng nghĩa với việc tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Nam Á này sẽ phải khởi động lại từ đầu. Điều này là có cơ sở bởi đang tồn tại 2 điều kiện trái ngược nhau giữa các bên liên quan tới hòa bình tại Afghanistan.

Trong khi chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng bạo lực vẫn đang gia tăng bất chấp thỏa thuận hòa bình, và vì thế không thể rút quân đội liên quân vào lúc này. Trong khi Taliban lại cho rằng Mỹ phải làm theo cam kết và rút quân. Việc còn lại là việc nội bộ của người Afghanistan. Thời điểm hiện tại chính là bước ngoặt với tiến trình hòa bình tại Afghanistan bởi chính quyền mới tại Mỹ sẽ phải quyết định chiến lược mới với Afghanistan. Trong khi đó, chỉ còn 2 tháng nữa là tới thời điểm Mỹ sẽ phải rút quân theo cam kết khỏi mặt trận hao người tốn của này.

Nga có thể can dự vào tiến trình đàm phán?

Trong khi Mỹ và chính quyền Afganistan đang tìm cách để tháo gỡ bế tắc, Bộ trưởng Ngoại giao Afganistan cũng vừa có chuyến thăm Nga và có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, trong đó có đề cập tới khả năng chuyển cuộc đàm phán hòa bình giữa Afganistan với Taliban hiện đang tổ chức ở thủ đô Doha, Qatar sang một quốc gia khác, trong đó có Nga.

Việc Nga muốn tham gia vào tiến trình hòa bình tại Afghanistan hoàn toàn là điều hiển nhiên. Với vị trí địa lý, mối quan hệ trong quá khứ với Afghanistan và vị thế là một cường quốc, việc Moscow gia tăng các hoạt động trung gian hòa giải cho các bên tại Afghanistan là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nga là một thành viên trong nhóm Bộ Tứ về hòa bình tại Afghanistan gồm Trung Quốc, Mỹ, và Pakistan đã từng tổ chức nhiều cuộc tham vấn để đưa ra giải pháp cho Afghanistan. Thực tế, Nga đã và đang thể hiện vai trò trung gian ngày càng lớn, kể từ sau khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận hòa bình. Hồi tháng trước, Moscow đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa một số chính trị gia Afghanistan và trưởng đoàn đàm phán Taliban. Đáng tiếc là các cuộc thảo luận này lại vắng mặt đại diện chính phủ Afghanistan.

Tuy nhiên, dù có diễn ra ở Doha hay Moscow thì bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi. Đó là phải dung hòa được lợi ích của các bên tại Afghanistan để đi tới mục tiêu cao nhất. Cuối cùng chính người Afghanistan sẽ phải quyết định, đất nước này sẽ thành một vương quốc Hồi giáo hay một thể chế Cộng hòa. Và điều cốt lõi nhất để có được một nền hòa bình bền vững tại Afghanistan là việc Taliban có chấp nhận 1 thỏa thuận chia sẻ quyền lực với một chính phủ dân cử tại Kabul hay không? Tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó, ít nhất là trong các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan.  

Những yếu tố đáng chú ý

Lịch sử thăng trầm và bất ổn của đất nước Afghanistan suốt vài thập kỷ qua không chỉ đơn thuần là vì những vấn đề sắc tộc, tôn giáo hay tranh giành quyền lực nội bộ. Đây còn là nơi chứng kiến màn cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai siêu cường Mỹ và Nga (mà trước đây là Liên Xô), vì thế cũng hứng chịu những hệ lụy rối ren.

Cả Nga và Mỹ, mỗi bên thường tìm cách hạ bệ phía bên kia bằng các chính sách can dự nhằm buộc đối thủ phải chịu thất bại và rút lui. Và rồi cuối cùng nhìn lại, sẽ khó có thể thấy 2 siêu cường này thực chất đóng góp gì vào hòa bình và ổn định tại Afghanistan. Thời gian qua, Nga đã xúc tiến khá nhiều các sáng kiến ngoại giao đa phương nhằm thiết lập sự hòa giải ở Afghanistan. Mục tiêu cuối cùng cũng là thúc đẩy hơn nữa ảnh hưởng về ngoại giao và chiến lược tại Afghanistan và cả khu vực Trung Nam Á một khi Mỹ phải thoái lui. Tuy nhiên, sự can dự ngày càng tăng của Nga tại đây chưa phải đã mang lại hiệu quả mong muốn.

Chính phủ Afghanistan đã tỏ ra không hài lòng khi Nga cố gắng thúc ép Kabul đàm phán trực tiếp với Taliban. Lý do là bởi nếu làm như vậy, chính quyền Afghanistan chẳng khác nào đã trao cho Taliban sự công nhận về chính trị lớn hơn. Một số ý kiến bình luận cho rằng chiến lược ngoại giao của Nga tại Afghanistan đang theo hướng đẩy vị thế của Taliban lên, khiến cho chính quyền Afghanistan khó chịu.

Khó có khả năng Kabul sẽ đồng ý để Nga là nhà trung gian hòa giải thực sự chừng nào các nhân tố khác ví dụ như Mỹ vẫn còn muốn đảm đương vai trò này. Vì thế, rất có khả năng Kabul sẽ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán mà Mỹ chủ trì bất chấp việc Taliban tiếp tục tham gia vào các cuộc đối thoại do Nga dẫn dắt./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết