“Mình vì mọi người”
Ở phường 3, TP.Tân An, cạnh dòng kênh Bảo Định, có một đại tự mang tên chùa Thiên Châu. Vốn là ngôi tam bảo đơn sơ, từ lúc Hòa thượng Thích Minh Thiện về nhận trách vụ trụ trì - quá trình xây dựng lớn diễn ra và ngày nay không gian Thiên Châu tự hoành tráng với các công trình to lớn, chính điện cao và kiên cố ở trung tâm - nơi đặt văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và diễn ra các hoạt động phật sự chính yếu của tỉnh, chốn hoằng pháp thường xuyên.
Với Hòa thượng Thích Minh Thiện, học và làm theo gương Bác là phải nhớ những lời dạy của Bác
Không chỉ phấn đấu nghiêm trì giới luật, hoàn thành tốt công tác phật sự GHPGVN, đồng bào phật tử tin tưởng giao phó mà Hòa thượng Thích Minh Thiện luôn coi làm điều thiện là một việc làm hết sức cần thiết. Phật tử trong tỉnh luôn nhắc đến Hòa thượng, bởi thầy đã gắn liền với những việc làm từ thiện, sẻ chia với những người kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn.
Bản thân là người tu hành luôn hướng về Phật với tâm niệm cầu cho quốc thái, dân an, người người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Hòa thượng Thích Minh Thiện được người dân địa phương quý trọng không chỉ ở tấm lòng hữu thiện mà còn bởi tinh thần hết lòng giúp đỡ người nghèo. Hòa thượng Thích Minh Thiện tâm sự: “Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thiên tài, tấm gương sáng ngời để mọi người học tập và noi theo. Soi mình vào gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng, ni, phật tử như được khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tình thương giữa con người với con người và sự gắn bó, đoàn kết toàn dân”.
“Trong cuộc sống, có rất nhiều hoàn cảnh éo le, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn để sống tốt, sống có ích là nghĩa vụ và trách nhiệm; đồng thời, là hạnh phúc của một người con Phật. Vì vậy, những người tu hành, cứ làm việc thiện bằng cái tâm trong sáng, vô tư, mình vì mọi người như lời Bác dạy. Hơn thế nữa, tình yêu thương con người của Bác Hồ chính là sự bao dung và độ lượng rộng lớn, đặc biệt là những người mắc phải khuyết điểm. Người nói: “Người đời ai cũng có chỗ tốt, chỗ xấu, ta phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Đức hy sinh và tình thương yêu của Bác Hồ đã, đang và sẽ luôn tiếp tục soi sáng tâm hồn cho mỗi thế hệ người Việt Nam. Học Bác, không cần phải học điều gì cao siêu, xa lạ. Giúp đỡ, yêu thương người khác cũng là một trong những hoạt động thiết thực học và làm theo tấm gương đạo đức của Người” - Hòa thượng Thích Minh Thiện tâm sự.
Luôn nhớ những lời dạy của Bác
Hòa thượng Thích Minh Thiện luôn nhận thức một cách sâu sắc sự tương đồng trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh với Phật học. Lo cho nỗi lo của dân tộc và thương cho nỗi đau của nhân loại - tấm lòng của Bác, xét ở một mức độ nào đó, cùng với những điều Phật dạy: Từ bi, hỷ xả, phải làm điều thiện để tâm mình luôn an bình.
Hòa thượng Thích Minh Thiện đồng hành cùng công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 tại Long An
Hòa thượng Thích Minh Thiện nói: “Bản thân thầy thấy giữa Bác và tư tưởng của Phật có nhiều điểm tương đồng. Cho nên có nhiều người hỏi thầy, học theo Bác thì nên học cái gì? Thầy nói mỗi người có thể học và làm theo mỗi cách. Tuy nhiên, thầy cho rằng, điều quan trọng nhất chính là bản thân mình phải nhớ những lời dạy cốt lõi của Bác”. Từ việc nhớ lời dạy đó, mới có thể trở thành một công dân tốt, một cán bộ lãnh đạo tốt.
Bác dặn cán bộ lãnh đạo: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Điều này giúp thầy liên hệ với tinh thần học Phật rất phù hợp. Những đức tính quan trọng này là vấn đề tinh túy hình thành người cách mạng. Liên hệ với nhà Phật, trong tất cả các kinh, đức Phật đều cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nỗi khổ là do tham lam. Vì thế, Phật dạy phương pháp đối trị lòng tham chính là sống theo hạnh “Thiểu dục tri túc”, nghĩa là giảm ham muốn và biết đủ. Hiểu điều đó, chúng ta phải siêng năng, sống tiết kiệm và phụng sự chúng sanh.
Suốt thời gian qua, Hòa thượng cùng với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh luôn lấy tinh thần hòa hợp và thanh tịnh làm cái gốc điều hành và tu tập. Đó là đức Phật có dạy 6 điều hòa hợp, gọi là lục hòa, các phật tử phải nhận thức những điều căn bản này để thực tập trong cuộc sống hàng ngày, tạo thành một tinh thần sống chung giữa tập thể và cá nhân, cá nhân với tập thể. Điều này cũng giống như lời Bác dạy “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Vì vậy, ở Long An, Hòa thượng Thích Minh Thiện thường tổ chức các khóa An cư kiết hạ, bắt đầu mùa an cư là Đại lễ Phật đản. Khoảng thời gian này, Phật giáo Long An phát động làm nhiều việc, theo lời Phật dạy vừa tu tập, thực hiện lễ nghi, các khóa lễ truyền thống và làm công tác an sinh xã hội,... để lập công dâng Phật giống như là lập công dâng Bác.
Một phần diện tích đất được chùa Thiên Châu - nơi Hòa thượng Thích Minh Thiện tu hành hiến đất xây dựng Kè kênh Bảo Định
Mùa Phật đản năm nay, Hòa thượng Thích Minh Thiện nhẩm tính thầy kêu gọi xây dựng khoảng 10 cây cầu giao thông nông thôn (trung bình mỗi cây cầu từ 200-300 triệu đồng, có cầu lên đến 500 triệu đồng); 5 căn nhà tình thương và hỗ trợ nhiều phần quà cho đồng bào nghèo,... Không chỉ chăm lo công tác an sinh xã hội, Hòa thượng Thích Minh Thiện còn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi được biết, chùa Thiên Châu - nơi Hòa thượng tu hành hiến nhiều diện tích đất và hoa màu với giá trị gần 14,5 tỉ đồng để TP.Tân An thi công Kè kênh Bảo Định - công trình trọng điểm của Đảng bộ TP.Tân An nhiệm kỳ 2020-2025./.
Nhiều năm qua, Hòa thượng Thích Minh Thiện thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật, thầy khuyến khích và đồng hành cùng tăng, ni, phật tử trong tỉnh tích cực hưởng ứng và thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bản thân thầy luôn phát huy cao độ đời sống “lục hòa cộng trụ”, “hộ quốc an dân” xây dựng nếp sống lành mạnh trong cộng cồng dân cư, phát huy bản chất sống tốt đời, đẹp đạo của nhà Phật, mang tình thương và trí tuệ vào đời, đồng hành cùng dân tộc mọi lúc, mọi nơi góp phần cùng nhân dân tỉnh Long An thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bản thân thầy đã đóng góp và vận động tăng, ni, phật tử, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện hàng trăm tỉ đồng. Thầy được Nhà nước và Giáo hội tặng nhiều bằng khen, trong đó có Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc do Chủ tịch nước trao tặng năm 2021; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2021.
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
|
Song Nhi