Tiếng Việt | English

07/11/2016 - 10:34

Phật giáo Long An gắn “việc đạo” với “việc đời”

Ngày 7/11/2016, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam kỷ niệm 35 Ngày thành lập (1981-2016). Suốt 35 năm qua, Phật giáo tỉnh luôn vận động tăng, ni, phật tử làm tròn nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo. Hòa thượng Thích Minh Thiện - Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPG, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban GHPG tỉnh có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Long An về những đổi thay của Phật giáo tỉnh Long An trong 35 năm qua.


Hòa thượng Thích Minh Thiện - Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPG, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban GHPG tỉnh 

PV: Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập GHPG Việt Nam, Hòa thượng có thể đánh giá về những đóng góp của Phật giáo tỉnh?

- Hòa thượng Thích Minh Thiện: Từ khi GHPG Việt Nam được thành lập tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoằng dương phật pháp trong thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất. Tiếp theo sự thành lập của GHPG Việt Nam, tại tỉnh Long An, năm 1983, thành lập Tỉnh hội Phật giáo để điều hành phật sự tại tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo của chư tôn đức đạo cao đức trọng trong Ban Trị sự trải qua nhiều thời kỳ cho đến ngày nay, các phật sự tại tỉnh Long An đạt nhiều thành quả. Những thành quả đó tác động đến xã hội tại Long An nói chung, trong đó có những người tín ngưỡng theo đạo Phật.

Rất nhiều đạo tràng tu tập được thành lập và sinh hoạt đều đặn, việc thuyết pháp cũng được phổ biến. Từng bước tăng trưởng và lan rộng sự chánh tín, những hủ tục, mê tín dị đoan giảm thiểu nhiều. Các khóa tu dành cho tuổi trẻ được mở rộng ở các chùa trong tỉnh, thu hút hàng ngàn lượt thanh thiếu niên tham dự. Tác dụng giáo dục của Phật giáo thể hiện rõ nét trong sự thay đổi về ý nghĩ và lối sống cho các em. Một số em biếng học, ham chơi hoặc sa đà vào các tệ nạn, nghiện ngập,... sau khi trở về từ các khóa tu trở thành con ngoan, trò giỏi, một số em từ bỏ được thói hư, tật xấu. Điểm nổi bật, điển hình đối với giáo dục tuổi trẻ là Trường Tư thục Bồ Đề Phương Duy nuôi dạy miễn phí 200 em từ lớp 1 đến lớp 12. Tất cả các lễ hội trong Phật giáo như: Phật đản, Vu lan, Tết Nguyên đán,... đều có tính giáo dục.

Những hiệu quả của công tác từ thiện-xã hội ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, nhiều mô hình phù hợp với chủ trương của Nhà nước nói lên tinh thần tu tập Tứ nhiếp pháp của người phật tử mà làm nên, điều đó cũng tác động tích cực đến đời sống xã hội cho nhiều người.


Phật giáo Long An tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện. (Trong ảnh: Ủng hộ xây dựng cầu giao thông nông thôn ở ấp 4, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa)

PV: Theo Hòa thượng, sau 35 năm, Phật giáo Long An có những bước phát triển, trong đó có đào tạo tăng tài. Vậy công tác quản lý tăng sự của Ban Trị sự tỉnh được quan tâm như thế nào?

- Hòa thượng Thích Minh Thiện: Khi chúng tôi tham gia Giáo hội năm 1990, với cương vị Chánh Thư ký kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Long An, tôi cùng với một số chư tôn đức vận động tích cực cho việc thành lập Trường Phật học để đào tạo tăng tài. 9 năm sau khi thành lập, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Long An (năm 1983-1992), Trường Cơ bản Phật học Long An (ngày nay là Trường Trung cấp Phật học Long An) khai giảng khóa đầu tiên với 2 cơ sở tu học nội trú, đó là chùa Thiên Khánh (cơ sở tăng) và chùa Thiên Phước (cơ sở ni). Chính việc thành lập trường là điểm mốc cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà.

Đây là ngôi trường thứ 17 về cơ bản Phật học và về tu học hoàn toàn nội trú là ngôi trường thứ 2 trên toàn quốc. Khóa đầu tiên ra trường năm 1998, kế đó, những khóa tiếp theo, hiện giờ là khóa IV (2015-2019). Tính đến nay, có 895 tăng sinh ra trường với cấp học trung cấp Phật học. Một số tăng sinh tiếp tục học những cấp học cao hơn về thế học và Phật học: Cao đẳng, đại học, cao học, nghiên cứu sinh và thế học, sau đó, trở về thừa hành phật sự tỉnh nhà. Chính từ sự đào tạo của ngôi trường này, hiện nay, các cựu tăng, ni sinh đó đã và đang gánh vác trách nhiệm Giáo hội và các tự viện, làm cho phật sự ngày càng khởi sắc.

PV: Một vấn đề được xã hội quan tâm là Phật giáo làm tốt công tác từ thiện gắn với yếu tố văn hóa. Theo Hòa thượng, để làm tốt truyền thống trên, Phật giáo Long An cần phải tiếp tục làm gì?

- Hòa thượng Thích Minh Thiện: Góp phần vào những thành quả tiêu biểu đáng kể của Phật giáo Long An là hoạt động từ thiện - xã hội. Chính việc này nâng tầm hiệu quả hoạt động xã hội. Đây là việc làm thể hiện lòng từ bi, tình thân của Phật giáo và quần chúng. Hàng năm, con số từ thiện của giới Phật giáo tại Long An là trên 50 tỉ đồng. Đó là một con số không nhỏ trong việc từ thiện chung của toàn tỉnh và cả nước. Việc từ thiện - xã hội là hoạt động giúp đời bằng vật chất hoặc tạo điều kiện tốt để có tác động tích cực đến đời sống của một số người. Hiện nay, Phật giáo Long An chuẩn bị phát quà cứu trợ tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Việc cấp phát cơm từ thiện cho các bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại một số bệnh viện nhằm góp phần chia sẻ khó khăn và giảm thiểu được gánh nặng cho gia đình người bệnh. Tiếp tục cải thiện chất lượng phần ăn và nhân rộng mô hình này.

Ngoài ra, hàng năm, việc xây cầu, làm đường bêtông, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương,... là những hoạt động nổi trội của Phật giáo. Phật giáo Long An tham gia xây hàng chục cây cầu nông thôn và hàng trăm kilômét đường bêtông ở các xóm, ấp. Ngoài ra, Phật giáo còn xem trọng việc phát học bổng, tặng quà khuyến học, hỗ trợ học phí và đời sống cho các học sinh, sinh viên, nhờ vậy, nhiều học sinh có hoàn cảnh nghèo, hiếu học được tiếp tục học tập và thành đạt.

Từ một số thành quả về công tác từ thiện - xã hội trên, chúng tôi luôn phát huy những thành quả đó, tiếp tục kêu gọi mạnh thường quân, nhà hảo tâm đầu tư và tài trợ cho các hoạt động từ thiện trong tỉnh nhằm nhân rộng mô hình từ thiện giáo dục, góp phần vào sự giáo dục tuổi trẻ.

PV: Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Hùng Dũng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết