Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Nhấn mạnh tại buổi lễ khai mạc cuộc thi tại Hải Phòng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: Thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục phổ thông nói riêng và giáo dục cả nước nói chung đã có rất nhiều đổi mới. Đặc biệt đối với giáo dục phổ thông có Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hiện nay, đổi mới chương trình hiện hành cũng đã có rất nhiều bước thay đổi quan trọng và có tín hiệu tích cực. Một trong những đổi mới được đánh giá là hay nhất, đặc sắc nhất chính là cuộc thi khoa học kĩ thuật.
Cuộc thi lúc đầu là đặt ra đối với học sinh THPT nhưng sau đó lại nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các em học sinh THCS. Qua đây cho thấy, không chỉ học sinh THPT mà ngay cả học sinh THCS cũng có thể nghiên cứu khoa học (NCKH) được. Ở nhiều địa phương có những em học sinh lớp sau cũng bắt đầu làm quen với cuộc thi cho dù quy định của Bộ GD-ĐT là từ lớp 8 trở lên.
“Quốc tế người ta tham gia cuộc thi này từ những năm 1950 nhưng chúng ta mới chỉ tham gia vài năm trở lại đây và bắt nhập rất nhanh. Chúng ta đã tổ chức cuộc thi trong nước và phát động trong các nhà trường. Từ cuộc thi trong nước chúng ta chọn được các em học sinh đi thi quốc tế. Ngay năm đầu tiên tham dự chúng ta đã đạt giải nhất và những năm kế tiếp thì năm nào cũng có giải” - Thứ trưởng Hiển nói.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, việc có giải quốc tế là rất đáng mừng nhưng điều quan trọng là chúng ta có phong trào, có cách thức tổ chức để phát triển ngày càng rộng khắp và tốc độ phát triển rất nhanh.
“Đơn vị tổ chức cuộc thi quốc tế rất đồng tình với cách làm của Việt Nam đó là nhiều học sinh tham gia vào NCKH, chúng ta không chọn “gà nòi” để nghiên cứu khoa học. Chúng ta mong muốn rằng, tất cả các em học sinh đều có thể thông qua cuộc thi khoa học kỹ thuật mà vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng, tình cảm, thái độ… phát hiện để giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua đó phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân” –Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Nhắn nhủ với các học sinh tham dự cuộc thi, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh: Tham gia vào cuộc thi khoa học kỹ thuật là chúng ta thực hiện phương châm học đi đôi với hành, chúng ta thực hiện việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thể hiện được năng lực tư duy, độc lập, tư duy phát hiện… qua đó các em sẽ tự tin hơn.
Có 35 đơn vị tham gia và 234 dự án đến với cuộc thi khoa học kỹ thuật
Thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi, năm nay ở khu vực phía Bắc có 35 đơn vị tham gia. Tổng số dự án dự thi là 234 dự án trong đó cấp THPT là 173 dự án với 316 học sinh; cấp THCS là 61 dự án với 111 học sinh. Thí sinh dự thi ở 20 lĩnh vực gồm: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hóa Sinh; Y Sinh và khoa học sức khỏe; Sinh học tế bào và phân tử; Hóa học; Sinh học trên máy tính và Sinh –Tin; Khoa học Trái đất và Môi trường; Hệ thống nhúng; Năng lượng: Hóa học; Năng lượng: Vật lí; Kĩ thuật cơ khí; Kĩ thuật môi trường; Khoa học vật liệu; Toán học; Vi Sinh; Vật lí và Thiên văn; Khoa học Thực vật; Rô bốt và máy thông minh; Phần mềm hệ thống.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của cuộc thi năm nay đó là số lượng giám khảo tăng lên con số 102. Thời gian chấm được kéo dài hơn. Bên cạnh đó, đối với các trường ĐH hoặc trường ĐH có bậc THPT thì Ban tổ chức không chọn Ban giám khảo đến từ các đơn vị này.
“Cách thức thực hiện như vậy sẽ đảm bảo sự công bằng, tránh những tiêu cực có thể xảy ra” – Ban tổ chức Cuộc thi cho biết.
Theo khảo sát của báo Dân trí, năm nay có rất nhiều đề tài nghiên cứu xoay quanh đời sống xã hội như kính mắt cho người mù lòa, ngôi nhà thông minh, bục phát biểu thông minh…
Hàng loạt đề tài nghiên cứu của học sinh phổ thông luôn sát với đời sống và có tính khả thi cao
Ngôi nhà thông minh và tiết kiệm điện
Kính mắt hỗ trợ cho người khuyết tật
Ngày 6/3, việc chấm sơ khảo sẽ chính thức tiến hành với sự bảo vệ nghiêm ngặt. Những thí sinh đạt giải cao sẽ bước vào vòng bảo vệ để được lựa chọn đi thi ở kỳ quốc tế.
Được biết, cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hằng năm theo Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT ngày 2/11/2012 Ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, bắt đầu từ năm học 2011-2012. Kể từ khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT đến nay, hoạt động NCKH của học sinh trung học trong phạm vi cả nước liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2013, toàn quốc có 33 sở GDĐT tham gia cuộc thi cấp quốc gia, với tổng số 140 dự án dự thi. Năm 2014, đã có 55 sở GDĐT và 2 trường THPT trực thuộc tham gia với 299 dự án dự thi. Năm 2015 có 61 sở GDĐT và 3 trường THPT trực thuộc tham gia với 384 dự án dự thi.
Liên tục tham gia Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế (International Science and Engineering Fair – Intel ISEF) tại Hoa Kì trong những năm qua, đoàn học sinh Việt Nam đều có dự án đoạt giải (1 giải Nhất năm 2012; 2 giải Tư năm 2013; 2 giải Tư và 1 giải Đặc biệt năm 2014; 1 giải Tư và 1 giải Đặc biệt năm 2015).
Mục đích của cuộc thi là khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kĩ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống nhằm hình thành năng lực học sinh; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kĩ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương; Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động NCKH trong nhà trường phổ thông.
Nhiều khách tham quan thẳng thắn phản biện với thí sinh
Thông qua tham gia hướng dẫn học sinh NCKH và tham gia các cuộc thi cấp địa phương và cấp quốc gia, trình độ và năng lực giáo dục nói chung, năng lực NCKH và hướng dẫn học sinh NCKH nói riêng của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao; Góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp và các hình thức giáo dục theo hướng tích cực, đổi mới kiểm tra đánh giá trong nhà trường phổ thông. Thông qua các cuộc thi, không chỉ các học sinh có dự án dự thi mà nhiều học sinh khác đã có thêm những động lực mới cho quá trình học tập, NCKH. Đặc biệt, cuộc thi đã tạo môi trường tốt cho học sinh vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn và thúc đẩy thực hành tiếng Anh.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thăm quan các gian hàng và trao đổi với thí sinh
Tăng cường mối liên hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học với giáo dục phổ thông; khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào đổi mới giáo dục phổ thông; tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh phổ thông khai thác các nguồn lực trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở NCKH; Lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng vào giáo dục phổ thông: cha mẹ, người thân của học sinh tham gia hướng dẫn khoa học; các doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động NCKH; tạo cơ hội cho các nhà khoa học và doanh nghiệp có mối liên hệ để thúc đẩy các ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
Cậu bé "hạt tiêu" Nguyễn Văn Hoàn từng đình đám với các cuộc thi trước đây vẫn tiếp tục đam mê với nghiên cứu khoa học
Cuộc thi hàng năm đều thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia. Nhiều trường đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến tham dự, trao giải và công bố tuyển thẳng vào bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đạt giải.
Cuộc thi đã nhận được sự phối hợp của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam và Quỹ hỗ trợ sáng tạo kĩ thuật Việt Nam (Vifotec); Intel Việt Nam; Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh/thành phố đăng cai tổ chức.
Nguyễn Hùng/Theo Dân Trí