Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 tại Jakarta. (Ảnh: TTXVN phát)
Đại sứ Vũ Hồ - quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam - đánh giá Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 8-14/7 tại thủ đô Jakarta của Indonesia đã gửi đi một trong những thông điệp lớn về “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” tới khu vực và cộng đồng quốc tế.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Vũ Hồ cho biết nội dung thảo luận của các bộ trưởng đều xoay quanh chủ đề làm thế nào để biến ước vọng trên trở thành hiện thực.
Các cuộc thảo luận tại hội nghị đều tập trung vào nội dung hợp tác kinh tế, phục hồi và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được điều này, không thể không có môi trường hòa bình và ổn định, cũng như không thể không có văn hóa đối thoại và hợp tác.
Phù hợp với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” của hội nghị lần này, hoạt động của các bộ trưởng cũng tập trung vào việc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tất cả các tiến trình khu vực, từ tăng trưởng, phát triển kinh tế, thay đổi lề lối làm việc, cách thức triển khai các quyết định của ASEAN đến những phương thức tiếp cận các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đại sứ Vũ Hồ cho rằng cách tiếp cận của ASEAN trên thực tế không mới, vẫn là lấy hợp tác, đối thoại làm công cụ chủ yếu trong mối quan hệ của ASEAN với các đối tác. Có thể thấy rằng các nguyên tắc này cũng đã trở thành thói quen, tập quán của các đối tác khi trao đổi với ASEAN.
Mặt khác, ASEAN cũng hiểu rất rõ rằng luôn có những khác biệt trong quan điểm hay cách tiếp cận các vấn đề. Tuy nhiên, các khác biệt, bất đồng này đều có thể giải quyết thông qua đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế.
Theo quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, các diễn đàn do ASEAN thành lập - như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - đều có vai trò và sắc thái riêng của mình, song đều lấy giải quyết bất đồng thông qua xây dựng lòng tin, đối thoại, hợp tác và thông qua các biện pháp phòng ngừa tránh để bất đồng leo thang thành xung đột.
Tại hội nghị, tất cả các đối tác của ASEAN đều khẳng định tôn trọng ASEAN, cũng như vai trò trung tâm của hiệp hội trong các tiến trình khu vực. Trong các phát biểu, bộ trưởng ngoại giao các nước đối tác một mặt nhắc lại các cam kết đối với sự phát triển của khu vực, đối thoại và hợp tác, mặt khác đưa ra các sáng kiến và cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng.
Ví dụ, Hàn Quốc đã cam kết nâng mức đóng góp cho Quỹ Phát triển ASEAN-Hàn Quốc từ 16 triệu USD lên 32 triệu USD, cũng như cung cấp cho ASEAN thêm 200 triệu USD cho các dự án hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Theo thông lệ của các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cũng được đề cập tại hội nghị lần này. Bộ trưởng các nước đã đưa ra quan điểm, tuyên bố về lập trường của mình liên quan tới tất cả các vấn đề về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Trong khi đó, ASEAN đã đóng vai trò rất quan trọng là điều hòa tất cả lập trường, quan điểm này, hướng tới một mục tiêu chung là đảm bảo rằng ASEAN - dù có các khác biệt - vẫn là lực lượng trung tâm, cầm lái trong tất cả các nỗ lực vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tại chuỗi Hội nghị AMM-56, tất cả những điểm nóng trong khu vực - từ căng thẳng ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đến tình hình Myanmar - đều được các nước đề cập.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng các nước đều nhìn về một phía và hướng tới tương lai, đề cao văn hóa đối thoại, hợp tác và khẳng định sẽ quyết tâm cùng nhau thúc đẩy để đạt được sự hài hòa nhất định trong điều phối các lợi ích chung, tìm thấy điểm tương đồng và cố gắng giảm thiểu bất đồng và xung đột.
Biển Đông - một trong những chủ đề thường xuyên được đề cập tới trong ASEAN từ năm 1992 - đã trở thành chủ đề thảo luận chung của tất cả các nước tham gia các diễn đàn của ASEAN.
Tại AMM-56, các nước đều ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và đều cho rằng đây là những bước tiến, dấu hiệu tốt, qua đó cùng nhau xây dựng lòng tin hay thậm chí thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa để điều hòa tất cả các mối quan hệ và lợi ích, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đại sứ Vũ Hồ cho biết đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu dự hội nghị lần này với nhiều trọng trách và thông điệp, trong đó có việc triển khai hiệu quả, đầy đủ các đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã được khẳng định sau Đại hội XIII.
Đoàn cũng mang tới thông điệp về một Việt Nam tích cực hơn, trách nhiệm hơn và chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động của ASEAN, mong muốn đưa ASEAN thực sự phát triển, trở thành hạt nhân, lực lượng duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, và rộng hơn nữa ở châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại các diễn đàn có nhiều bên tham gia như ASEAN, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam gặp gỡ và trao đổi với các đối tác về các vấn đề cùng quan tâm và có lợi ích chung.
Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh rằng một lần nữa, đóng góp của Việt Nam tại chuỗi hội nghị lần này là thúc đẩy đoàn kết, nhất trí, khẳng định quyết tâm của cả ASEAN xây dựng thành công cộng đồng và bảo đảm ASEAN đóng vai trò trung tâm trong tất cả mọi tiến trình của khu vực.
Đặc biệt, sự tham gia của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này thể hiện hình ảnh một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới./.
Hữu Chiến/vietnamplus.vn