Tiếng Việt | English

28/06/2022 - 19:27

Hội nghị G7: Nhất trí nghiên cứu áp giá trần với năng lượng của Nga

Các nước thành viên G7 đã tranh luận về việc áp giá trần toàn cầu đối với năng lượng từ Nga sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Các quan chức Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 28/6 cho biết, lãnh đạo các nước G7 đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để kiềm chế giá năng lượng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của phương án tạm thời áp mức trần giá nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga. 

Các nước thành viên G7 đã tranh luận về việc áp giá trần toàn cầu đối với năng lượng từ Nga sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt. 

Mỹ là quốc gia đầu tiên kêu gọi áp dụng cơ chế nhằm giới hạn mức giá thanh toán cho dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Cơ chế này gắn dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển đường biển với mức trần giá dầu mỏ Nga. 

Trong khi đó, Italy, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng Nga, thúc đẩy mở rộng áp mức giá trần đối với mặt hàng khí đốt.

Pháp đề xuất cơ chế áp mức giá trần cần mở rộng ra ngoài các sản phẩm nhập khẩu từ Nga để giảm giá trên diện rộng hơn, trong đó có việc các nước G7 tìm các nguồn cung từ những nơi khác

Liên quan nguồn cung khí đốt, dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và lãnh thổ Ukraine ngày 28/6 vẫn ổn định.

Theo số liệu của công ty vận hành Dòng chảy phương Bắc 1, khí đốt chuyển qua tuyến đường ống này vượt biển Baltic sang Đức sáng 28/6 ở mức 29.274.914 kWh/h, phù hợp với mức trên 29.000.000 kWh/h ghi nhận ngày 27/6.

Trong khi đó, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga cho biết nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Ukraine qua trạm cửa khẩu Sudzha ngày 28/6 ước tính là 42,2 triệu m3, so với 42,1 triệu m3 một ngày trước đó.

Trong khi đó, dòng khí đốt vào Slovakia trung chuyển qua Ukraine thông qua trạm biên giới Velke Kapusany là 36,9 triệu m3/ngày, hầu như không thay đổi so với ngày 27/6.

Dữ liệu của công ty vận hành đường ống Gascade cho thấy dòng khí đốt chảy về phía Đông qua đường ống Yamal-châu Âu đến Ba Lan qua Đức tăng nhẹ so với một ngày trước đó.

Dòng chảy ra tại trạm đo Mallnow ở biên giới Đức với Ba Lan là 2.762.155  kW/h vào sáng 28/6, tăng so với 1.863.537 kWh một ngày trước đó./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết