Tiếng Việt | English

01/08/2016 - 10:52

Hôm nay 1/8: Tăng mức phạt xe máy vi phạm luật giao thông

Ngày 1/8, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 46) bắt đầu có hiệu lực thay thế cho 2 Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014.

 

Lực lượng tuần tra kiểm tra nồng độ cồn

Tăng mức phạt

Trước đó, vào ngày 15/7/2016, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ Công an tỉnh triển khai, hướng dẫn Nghị định 46 đến cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng CSGT tỉnh, trong đó có nhiều điểm cần phải lưu ý. Đó là tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Cụ thể, Nghị định 46 quy định tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đối với các hành vi vi phạm của xe máy, mô tô như sau: Hành vi buông 2 tay, dùng chân, quay người về phía sau, nằm trên yên xe hoặc bịt mắt điều khiển xe sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt từ 5-7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 3-5 tháng. Đối với hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng trên đường bộ trong và ngoài đô thị, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 5-7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn từ 3-5 tháng.

Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông cho biết, sẽ tăng mức phạt cũng như tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn.

Cụ thể, đối với ôtô sẽ tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng; tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng lên 4-6 tháng.

Đối với môtô sẽ tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu bị phạt từ 500 ngàn - 1 triệu đồng lên 1-2 triệu đồng; tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu từ 2-3 triệu đồng lên mức 3-4 triệu đồng. Đồng thời, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tăng từ 2 tháng lên 3-5 tháng.

Tương tự, đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ, tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ôtô, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h từ mức 4-6 triệu đồng lên mức 5-6 triệu đồng. Tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h từ mức 2-3 triệu đồng lên mức 3-4 triệu đồng.

Nghị định 46 cũng quy định đối với hành vi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy bị phạt từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Trên thực tế cho thấy, hành vi sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy là hành vi vi phạm cố ý và đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh thiếu niên do xuất phát từ tâm lý muốn thể hiện bản thân. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm này, lực lượng CSGT cũng xác định tập trung hướng đến nhóm đối tượng là thanh thiếu niên.

Riêng đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện quên không gạt chân chống trước khi điều khiển phương tiện, lực lượng CSGT sẽ nhắc nhở để họ nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân mình.

Lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ

Tăng thẩm quyền phạt

Điều 72, Nghị định 46 của Chính phủ quy định về thẩm quyền của Công an nhân dân khi thi hành công vụ, đáng chú ý, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ lên tới 40 triệu đồng, do người đứng đầu ra quyết định (Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội).

Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 400.000 đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trạm trưởng, đội trưởng cảnh sát giao thông có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1,2 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 1,5 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt. Trưởng Công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất, quyền xử phạt tương ứng với số tiền 2 và 2,5 triệu đồng; được tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền theo quy định.

Trưởng Công an cấp huyện; trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh; thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, có quyền phạt tiền đến 8 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền theo quy định./.

Mai Dũng

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích