Công nhân tại Nhà máy Lavifood (Bến Lức, Long An) thực hiện công đoạn chế biến trái thanh long. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Tổng cục Thống kê vừa cho biết kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2020 cho thấy, dự kiến có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2020; có 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 82,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 2. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là gần 80% và gần 76%.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2, có 53,6% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hơn 50% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,5% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; trên 28% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp.
Cùng với đó, hơn 27% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; gần 24% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; gần 20% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; chỉ có 6,5% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; trên 2% doanh nghiệp cho rằng thiếu năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về khối lượng sản xuất, xu hướng quý 3 có gần 49% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; trên 18% số doanh nghiệp dự báo giảm và trên 33% số doanh nghiệp dự báo ổn định so với quý 2.
Về đơn đặt hàng, hơn 45% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; hơn 18% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 36,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định so với quý 2.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý 3 có hơn 34% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; gần 22% số doanh nghiệp dự kiến giảm và gần 44% số doanh nghiệp dự kiến ổn định so với quý 2.
Để ngành sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng trong những tháng tới, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hương cũng nhấn mạnh đến giải pháp chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho./.
Theo TTXVN