Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Để ứng phó với đại dịch, Chính phủ đưa ra các biện pháp đúng đắn, kịp thời nhằm kiểm soát dịch bệnh đi đôi với khôi phục kinh tế như giảm lãi suất cho doanh nghiệp (DN): Gia hạn thuế và tiền thuê đất, cho DN vay lãi suất 0% để trả lương cho công nhân,… Đến nay, nước ta cơ bản đẩy lùi dịch bệnh và tập trung khôi phục kinh tế.
Để tái khởi động kinh tế, một thành phần kinh tế không thể không quan tâm đó là các DN nhỏ và vừa. Hiện nay tại Việt Nam, DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao (khoảng 98%). Do đó, cần tập trung hỗ trợ kịp thời cho các DN này. Tái sản xuất, DN cần dòng tiền. Các gói hỗ trợ của Chính phủ đã tập trung giải quyết những yêu cầu này. Ngoài “tiếp sức” các DN bằng nguồn lực, các địa phương còn “tiếp sức” bằng cơ chế và sự động viên. Bên cạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỉ đồng thì gói hỗ trợ hơn 180.000 tỉ đồng từ Nghị định 41, hay gói hỗ trợ tín dụng gần 300.000 tỉ đồng của Chính phủ được xem là “đòn bẩy” để vực dậy nền kinh tế. Sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho DN. Ngoài ra, các địa phương đặc biệt quan tâm đào tạo lao động và giải quyết việc làm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, khẩn trương thực hiện các dự án./.
Thúy Anh