Bộ Y tế ban hành Công văn số 2146/BYT-BH, ngày 17/4/2020 về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan đến dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí KCB đối với người có thẻ BHYT trong thời gian cách ly y tế tập trung và một số trường hợp khác trong thời gian dịch bệnh. Đối tượng cách ly y tế tập trung tại cơ sở KCB do Covid-19 bao gồm: Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây Covid-19; người đang cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành bệnh.
Người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám, chữa bệnh được cơ sở y tế kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định
Việc thanh toán chi phí KCB đối với người có thẻ BHYT đang trong thời gian cách ly y tế tập trung phải KCB tại cơ sở KCB được quy định như sau: Ngân sách nhà nước chi trả: Chi phí KCB do Covid-19, bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phần cùng chi trả chi phí KCB đối với các bệnh khác của người có thẻ BHYT; chi phí KCB ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT; chi phí thực hiện cách ly y tế. Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí KCB các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp KCB đúng tuyến, trừ chi phí do ngân sách nhà nước chi trả nêu trên.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn việc kê đơn thuốc điều trị trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Bác sĩ, y sĩ kê đơn thuốc căn cứ vào tình trạng người bệnh để có thể kê số lượng thuốc sử dụng trong đơn cho người bệnh là người cao tuổi, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày tối đa không quá 3 tháng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh có sự điều chỉnh đơn thuốc đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc, đi lại trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (72 tuổi, bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Long An) chia sẻ: “Tôi mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm nay nên phải đến bệnh viện để khám theo định kỳ. Tôi có BHYT nên cũng nhẹ gánh nặng chi phí điều trị. Thời gian gần đây có dịch bệnh xảy ra nên tôi rất lo ngại khi đến bệnh viện. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thấy công tác phòng, chống dịch được thực hiện tốt. Bác sĩ kê đơn thuốc cho tôi uống trong 2 tháng để hạn chế việc phải thường xuyên đến bệnh viện nên tôi an tâm hơn”.
Bên cạnh đó, các cơ sở KCB phải cung cấp số điện thoại cho bệnh nhân để liên hệ khi cần thiết và căn cứ vào số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị để mua sắm, dự trữ thuốc (lưu ý các thuốc điều trị chuyên khoa tim mạch, đái tháo đường, huyết áp,…). Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB được cơ sở y tế kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung, được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo quy định của pháp luật về BHYT.
An Hòa - Huỳnh Hương