Tiếng Việt | English

14/03/2024 - 07:32

Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn là xu hướng tất yếu để phục vụ nhu cầu về thực phẩm của thị trường hiện nay. Nắm bắt xu hướng này, nhiều hợp tác xã (HTX), nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã và đang xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường nhằm tạo ra các loại thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trung bình mỗi 0,1ha nhà màng, Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) thu hoạch hơn 4 tấn dưa lưới

Nhiều mô hình hiệu quả

Là một trong những HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận chuỗi an toàn thực phẩm, HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) đã khẳng định được vị thế của mình với các sản phẩm rau an toàn, chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng cho biết, với chủ lực là các loại rau ăn lá như cải xà lách, cải bẹ xanh, cải ngọt,... trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường gần 2 tấn rau các loại. HTX có nhà sơ chế rau trước khi giao cho khách hàng, do đó, mỗi ngày, HTX có hơn 200kg phế phẩm từ các loại rau. Tận dụng nguồn phế phẩm này, HTX ủ phân hữu cơ để bón cho rau.

Công nhân Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) sơ chế rau

HTX xây dựng 2 hố bêtông với diện tích hơn 25m2 để ủ phế phẩm từ các loại rau thành phân bón hữu cơ. Chỉ cần trộn phế phẩm với men vi sinh từ 1-1,5 tháng là đã có phân bón thành phẩm. Việc ủ phân bón này vừa giúp HTX giảm chi phí sản xuất, vừa giảm chi phí xử lý phế phẩm từ các loại rau.

“Qua một thời gian thực hiện, HTX nhận được phản hồi rất tốt từ các thành viên và các hộ nông dân liên kết sản xuất. Hầu hết đều đánh giá, bón phân hữu cơ của HTX giúp rau xanh tốt, cứng cáp, chống chịu được sâu, bệnh tốt hơn so với khi sử dụng phân bón hóa học” - ông Kiều Anh Dũng cho biết thêm.

Cũng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nông sản sạch của người tiêu dùng, HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 5 nhà màng với diện tích 0,5ha để trồng dưa lưới.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ - Nguyễn Hồng Quang chia sẻ, dưa lưới chịu nắng và nóng rất tốt, không chịu được thời tiết lạnh, mưa và sương nên phải trồng trong nhà màng.

Bên cạnh đó, khi trồng dưa lưới trong nhà màng sẽ hạn chế được các loại sâu, bệnh gây hại. Với lợi thế có nhiều nhà màng, HTX tổ chức sản xuất theo kiểu xoay vòng, mỗi nhà màng sẽ trồng cách nhau 15 ngày để bảo đảm quy trình sản xuất liên tục.

Trung bình 1 nhà màng, HTX thu hoạch khoảng 4 tấn dưa lưới, bán với giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh hiệu quả sản xuất, Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) còn chú trọng đến sản xuất sạch

“Bên cạnh hiệu quả sản xuất, HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ còn chú trọng đến sản xuất sạch. HTX thường sử dụng các chế phẩm sinh học từ tinh dầu sả để phòng, trừ các loại sinh vật gây hại cho dưa lưới.

Sau khi thu hoạch, HTX còn tận dụng dây, lá dưa lưới để ủ thành phân bón hữu cơ. Dưa lưới của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đạt tiêu chuẩn VietGAP” - ông Nguyễn Hồng Quang nói.

Tại huyện Tân Thạnh, những năm gần đây, sầu riêng là loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, tuy nhiên, loại cây này tương đối khó trồng.

Để cây sầu riêng cho trái đạt chất lượng, năng suất cao và “ăn bền”, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện sử dụng các loại phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong canh tác.

Ông Trần Văn Chính (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) canh tác 1,5ha sầu riêng (chủ yếu trồng giống Ri6 và Monthong). Sầu riêng của ông trồng được 7 năm tuổi, tươi tốt và đã cho thu hoạch 3 mùa.

Bình quân mỗi mùa, vườn sầu riêng của ông cho sản lượng gần 10 tấn trái/ha. Giá bán trung bình hơn 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông có lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/ha.

Theo ông Chính, để cây phát triển tốt, ông canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học.

Đồng thời, ông cũng giảm sử dụng phân bón vô cơ và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà giữ cỏ lại trong vườn nhằm tạo độ ẩm cho đất và bảo vệ rễ cây sầu riêng.

Ông Chính cho hay: “Qua việc sử dụng phân bón hữu cơ để canh tác sầu riêng, tôi thấy cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao, trái đạt chất lượng và an toàn cho người sử dụng.

Cây sầu riêng sau các mùa thu hoạch trái ít bị suy kiệt nên có thể sống lâu và cho trái bền vững. Đồng thời, tôi cũng giảm được nhiều chi phí từ việc giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho phân bón hóa học giúp cây sầu riêng ít bị suy kiệt sau khi thu hoạch trái

Hướng đến bền vững

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, Sở hỗ trợ áp dụng VietGAP vào sản xuất cho 119 HTX, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, sơ chế sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Tổng diện tích hỗ trợ hơn 2.619ha. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,5 tỉ đồng.

Các cơ sở và diện tích sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giảm thiểu được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất, chế biến ra các thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, đơn vị thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đến các HTX, hộ nông dân chăn nuôi hoặc trồng trọt có diện tích, quy mô chuồng trại lớn và vừa để tuyên truyền các quy trình sản xuất, nhất là cách chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh trên cây trồng, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhằm hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh cho vật nuôi để hướng tới sản xuất các sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang được nông dân chuyển đổi theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp, HTX, trang trại và nông dân thể hiện tính chủ động trong việc nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững thông qua các biện pháp canh tác cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” giảm lượng phân bón vô cơ, tăng cường ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong trồng trọt và chăn nuôi,...

Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này mang lại nhiều lợi ích, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm và chuyển đổi số trong nông nghiệp; triển khai, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất phát triển; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản,... tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất nông sản chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin thêm.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, việc chuyển đổi sản xuất cần có lộ trình và bảo đảm phù hợp điều kiện từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh, kế hoạch phát triển của ngành Nông nghiệp và các ngành có liên quan./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết