Tiếng Việt | English

22/08/2023 - 09:48

Hướng đến nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững

Những năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh Long An. Hầu hết mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ thể sản xuất. Qua đó, mở ra nhiều triển vọng và được xem là hướng đi tất yếu để nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Nhiều mô hình hiệu quả

Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc hóa học, thay thế bằng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh được ngành Nông nghiệp tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiến Phát (huyện Thạnh Hóa) - Phan Văn Mỹ, HTX hiện có trên 50ha lúa, trong đó, có 36ha sản xuất lúa giống (giống IR4625) cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh. Toàn bộ 36ha lúa này từ quá trình gieo sạ, chăm sóc đều thực hiện đúng quy trình mà Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đưa ra.

Mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường được nhiều nông dân đồng thuận và đánh giá cao

Bên cạnh đó, HTX cũng được Hội Nông dân tỉnh chọn làm điểm để thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích 1ha. Theo đó, 1ha lúa này sẽ áp dụng các kỹ thuật như sử dụng phân bón hợp lý, giảm phân đạm; sử dụng bảng so màu lá khi bón phân; ứng dụng phòng, trừ dịch hại tổng hợp nhằm giảm lượng thuốc BVTV; quản lý nước hợp lý, tiết kiệm theo phương pháp tưới ướt, khô xen kẽ; sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ và sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ để phòng, trừ sâu, bệnh.

“Canh tác theo hướng thân thiện với môi trường giúp chúng tôi quản lý sâu, bệnh hại một cách hiệu quả, giảm sử dụng thuốc BVTV, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, việc sử dụng nước tiết kiệm thông qua phương pháp tưới ướt, khô xen kẽ giúp cây lúa hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, rễ lúa ăn sâu hơn giúp cứng cây, hạn chế bị ngã vào giai đoạn cuối vụ. Trong vụ Đông Xuân 2022-2023, mô hình này mang lại lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài khoảng 4,3 triệu đồng/ha” - ông Mỹ nói.

Được biết đến là địa phương có diện tích trồng rau lớn của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Cần Giuộc triển khai nhiều chương trình, mô hình điểm về sản xuất rau hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để thay đổi nhận thức của người dân và nâng cao chất lượng rau trên địa bàn.

Ông Trần Ngọc Oanh là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau

Đến thăm mô hình trồng rau hữu cơ của ông Trần Ngọc Oanh (ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), chúng tôi khá bất ngờ bởi với diện tích chỉ gần 0,2ha trồng các loại rau ăn lá, rau gia vị như cải ngọt, tía tô,… nhưng ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi dạy các con thành tài.

Ông Oanh tâm sự, gia đình ông có được thành quả như hôm nay tất cả là nhờ cây rau. Trước đây, cũng như bao người dân địa phương, ông chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, chạy theo sản lượng, sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV. Khi mức sống người dân ngày càng cao, nhu cầu về rau sạch ngày càng tăng, buộc người trồng rau như ông phải thay đổi tư duy sản xuất.

Từ đó, ông tích cực tìm hiểu, tham gia các lớp tập huấn về sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Sau khi nắm vững kiến thức, năm 2015, khi hầu hết người dân địa phương còn chưa hiểu nghĩa của từ “nông nghiệp công nghệ cao là gì” thì ông đã xây dựng 2 nhà màng, mỗi nhà màng 0,1ha cùng hệ thống tưới tự động, ứng dụng men vi sinh vào sản xuất. Trung bình mỗi năm, ông trồng 6 vụ rau, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng/vụ.

Người dân cần thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin để phân biệt được các loại phân bón giả, kém chất lượng

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết: Thời gian qua, các mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đều phát huy hiệu quả, góp phần tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác. Đồng thời, các mô hình tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu rau của địa phương.

Hướng đến phát triển bền vững

Tại huyện Vĩnh Hưng, nhiều nông dân, HTX cũng đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến sản xuất sạch, hạn chế thuốc BVTV để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị) cho biết, từ năm 2018 đến nay, ông chuyển từ trồng lúa sang bưởi da xanh theo hướng an toàn. Trong quá trình sản xuất, ông hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các loại thuốc BVTV nên bưởi của gia đình ông luôn bảo đảm chất lượng.

“Với 1.600 gốc bưởi trong giai đoạn cho trái, trung bình mỗi tháng, tôi thu hoạch trên 2 tấn trái, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời, tôi đang phối hợp địa phương để xây dựng nhãn hiệu cho bưởi của mình” - ông Trung chia sẻ.

Trồng bưởi theo hướng an toàn giúp ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị,huyện Vĩnh Hưng) có thu nhập ổn định

Để hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, độc hại và thay bằng các loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.600ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương.

Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo chuyên đề hoặc đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 31 đoàn thanh, kiểm tra 263 cơ sở (238 cá nhân, 25 tổ chức) sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y; thu 46 mẫu để phân tích kiểm tra chất lượng hàng hóa. Qua công tác thanh, kiểm tra, Sở đã phát hiện 29 trường hợp vi phạm hành chính; ban hành 29 quyết định xử phạt với số tiền trên 390 triệu đồng.

Đồng thời, Sở thông báo công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không mua và không sử dụng sản phẩm giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến cây trồng.

Ý thức thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật của nông dân ngày càng được nâng lên

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Trần Duy Thuận cho rằng, cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, HTX, chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn về vốn, lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có thêm nhiều chương trình, hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, nhất là các loại nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… để giải quyết “bài toán” đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thấy sự cần thiết của việc sản xuất sạch. Song song đó, ngành cũng chỉ đạo các cơ quan trực thuộc và địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân thu gom bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

“Thời gian tới, ngành tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản theo hướng an toàn, hữu cơ, nhất là đối với các nông sản chủ lực của tỉnh như lúa, thanh long, chanh, rau,... Đồng thời, ngành tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất; khuyến khích các chủ thể sản xuất chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị nông sản” - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết