Tiếng Việt | English

12/07/2023 - 10:09

Hiện thực hóa ước mơ Nông Nghiệp Xanh

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầy những cánh đồng cỏ bàng, anh Nguyễn Văn Lý (ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) ôm ấp ước mơ đưa cỏ bàng “xuất ngoại”.

Thầy giáo thành người vác cỏ bàng thuê

Anh Nguyễn Văn Lý lớn lên đã gắn bó với cây bàng. Vùng đất phèn chua trong vùng trước nay vẫn là “vương quốc” cỏ bàng. Trước kia, cỏ bàng mọc dại. Sau này, được người dân trồng bán cho các hộ đương đệm, làm hàng thủ công. Nhiều gia đình ở Mỹ Hạnh Bắc phát triển kinh tế, nuôi con ăn học nhờ có cây bàng. Nhưng khi xã hội phát triển, cùng với sự thịnh hành của nhựa, nhiều sản phẩm thủ công vắng bóng dần trong đời sống hàng ngày. Những cánh đồng cỏ bàng theo đó cũng ít dần. Một phần đất được dùng cho công nghiệp, phần còn lại, người dân dần chuyển sang cây trồng khác. Người trẻ tuổi ở quê cũng không còn tha thiết với cánh đồng cỏ bàng vì công việc vừa vất vả, nguồn thu không cao lại theo mùa vụ.

Bằng sự kiên trì, nỗ lực của bản thân, anh Nguyễn Văn Lý đã nâng cao giá trị cây bàng ở quê hương (Trong ảnh: Nhân công thu hoạch bàng cho Cơ sở sản xuất Nông Nghiệp Xanh)

Cũng như bao nhiêu người trẻ khác, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lý đi làm xa quê. Nhưng ước mơ nông nghiệp trong anh chưa bao giờ ngừng thôi thúc. Vừa làm giáo viên dạy môn Nông nghiệp cho một trường trung cấp ở tỉnh Bình Dương, anh vừa trồng thêm rau để tăng gia sản xuất. Anh nói, vì đã chọn ngành Nông nghiệp nên anh luôn thấy cuộc sống của mình phải gắn bó với ruộng đồng, trồng trọt. Một lần vào quán cà phê, anh Lý thấy quán sử dụng ống hút cỏ bàng tươi. Ý tưởng lóe lên “Quê hương mình bao đời vẫn trồng bàng, tại sao mình lại không về làm giống người ta? Vừa được sống ở quê, vừa được làm nông nghiệp!”. Sau khi bàn bạc, vợ chồng anh quyết định về quê trong lúc công việc của cả 2 đang ổn định. Tất nhiên, điều đó vấp phải sự phản đối của gia đình vì “sung sướng không muốn lại chọn đường cực khổ”.

Những ngày đầu mới về quê, câu chuyện của vợ chồng anh Lý trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người, khi một thầy giáo bỏ nghề về quê đi thu hoạch bàng thuê. “Từ ý tưởng tới thực tế sản xuất là một đoạn đường rất xa, đi được cũng gian nan lắm! Gia đình không có điều kiện nên mình đâu thể về quê là đầu tư sản xuất ngay được, phải vừa đi thu hoạch bàng, vác bàng thuê để lo kinh tế gia đình, vừa tự mình tìm tòi, thử nghiệm. Có quá nhiều thứ phải lo từ việc chọn bàng đạt chất lượng nhưng phải canh tác sạch, cắt bàng thế nào cho cây không bị giập nát, vệ sinh, bảo quản sản phẩm như thế nào cho ít bị hao hụt,... Tôi về quê từ năm 2018, đến năm 2020 thì công việc mới bắt đầu ổn định, đưa việc sản xuất vào quy trình khép kín, kiểm soát được từ nguyên liệu tới đầu ra sản phẩm” - anh Lý kể.

Hiện thực hóa ước mơ

Nếu không được giới thiệu trước, ít ai ngờ chàng trai trẻ, nhỏ người, dáng vẻ lo toan, tất bật ấy lại là chủ của cơ sở sản xuất với gần 30 nhân công, mỗi tháng xuất bán hàng triệu ống hút cỏ bàng cùng nhiều sản phẩm khác có liên quan, mang về nguồn thu ổn định. Ngoài nhân công đang làm việc trực tiếp tại cơ sở sản xuất, anh Nguyễn Văn Lý còn hợp tác khoảng 30 nông dân (với khoảng 35ha đất), canh tác cỏ bàng theo quy trình và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho cơ sở đều đặn quanh năm. Anh Lý cho biết: “Trước giờ, cỏ bàng thường chỉ trồng theo mùa vụ nên nếu muốn có nguyên liệu sản xuất quanh năm thì phải có lịch sản xuất “cuốn chiếu”. Bàng trái vụ thường có năng suất và chất lượng không được như vụ chính nên tôi hỗ trợ nông dân về giống và kỹ thuật. Nông dân vừa có thu nhập ổn định quanh năm, tôi thì có nguyên liệu đạt chất lượng, sản xuất ít hao hụt”.

Cơ sở sản xuất Nông Nghiệp Xanh góp phần tạo việc làm cho người lao động tại địa phương

“Nhờ có Lý về đây làm cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng mà nhiều người có thêm việc làm. Nhà tôi cũng trồng bàng, khi nào hết vụ thì tôi tìm việc làm thuê. Thời gian gần đây chủ yếu làm cho Lý, có việc làm hoài thì có thu nhập đều đều thôi” - ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc) phấn khởi kể. Ông Dũng là một trong những nhân công thời vụ tại Cơ sở sản xuất Nông Nghiệp Xanh của anh Lý, chuyên việc thu hoạch bàng. Ngoài ra, các khâu khác như lựa, rửa, cắt bàng, phân loại, đóng gói,... đều cần nhân công làm việc thường xuyên. Nhờ vậy, người dân địa phương có thêm cơ hội việc làm ổn định và phù hợp.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lý và chị Nguyễn Thị Bích Chi kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói

Hiện tại, Cơ sở sản xuất Nông Nghiệp Xanh của anh Nguyễn Văn Lý là nơi cung cấp giống, nguyên liệu và sản xuất ống hút cỏ bàng tin cậy cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giống cỏ bàng NNX2020 do chính anh Lý lai tạo đã “bám rễ” tại một số quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản,... Ống hút cỏ bàng từ Cơ sở sản xuất Nông Nghiệp Xanh cũng được xuất khẩu đến nhiều quốc gia. Hiện tại, anh từng bước mở rộng sản xuất một số ống hút từ nguyên liệu khác nhằm đa dạng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Sau gần 6 năm rời quê, anh Nguyễn Văn Lý đã chứng minh được quyết định “chọn đường cực khổ” của mình là đúng đắn và quan trọng hơn là anh được làm điều mình yêu thích, tâm huyết là gắn bó đời mình cùng nông nghiệp./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết