Hôm qua, 11/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022; triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Điểm nhấn trong những nội dung đó chính là PCI. Cách đây đúng 1 tháng, vào ngày 11/4/2023 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo thường niên PCI năm 2022. Tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu quan tâm đến các phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần, qua đó, xác định những giải pháp trong năm 2023.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh và được kết nối tới cấp xã, đã thể hiện sự quan tâm, quyết tâm của tỉnh trong cải thiện PCI, PGI, PAPI, PAR Index. Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được biểu dương UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo hiệu quả. Một lần nữa, ông nhấn mạnh quan điểm: “Xem người dân là đối tượng phải phục vụ; xem DN là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”.
Năm 2022, Long An đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng PCI cả nước, thuộc nhóm Tốt với 68,45 điểm; tăng 6 bậc so với năm 2021. Chúng ta hết sức phấn khởi với kết quả trên, bởi khi tham gia xếp hạng lần đầu vào năm 2006, tỉnh chỉ đạt hạng 42. Dù PCI có lúc lên, xuống nhưng cả hệ thống chính trị đã nỗ lực không ngừng để vươn tới thứ hạng cao.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2022, có 5 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2021: Tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động. Có 5 chỉ số thành phần giảm điểm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai,chính sách hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự. Điều đáng mừng là chi phí thời gian, chi phí không chính thức của tỉnh đã tăng điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 2/13 tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hầu hết DN cho rằng phí, lệ phí được công khai; cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả; DN không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký; việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN,...
Một nội dung đáng lưu ý là chỉ số thành phần đào tạo lao động tiếp tục giảm điểm, có sự chênh lệch điểm số khá lớn so với các địa phương cao nhất nước và cao nhất vùng. Chỉ số Đào tạo lao động của Long An xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố cả nước và xếp thứ 5/13 tỉnh Vùng ĐBSCL.
Năm 2022 là lần đầu tiên VCCI chính thức triển khai điều tra PGI như một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI 2022. Đây là một công cụ chính sách hữu ích, bổ trợ PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường bảo đảm phát triển bền vững trong thời gian tới.
Kết quả công bố PGI 2022, Long An đạt 15,04 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố và thứ 3/13 tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL. Việc thực hiện tốt bộ chỉ số PGI thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng với phó với biến đổi khí hậu.
Để môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, nâng hạng PCI; đồng thời, cải thiện và nâng cao PGI một cách bền vững hơn, tại hội nghị, các đại biểu đã nghe phát biểu của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chức năng về các giải pháp trong thời gian tới. Quan điểm của tỉnh là cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn, triển khai những giải pháp thiết thực hơn, hữu hiệu hơn với quyết tâm cao hơn, giải quyết tận gốc các “nút thắt, điểm nghẽn”.
Trong đó, các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch nâng cao PCI của cơ quan, đơn vị mình; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý cho DN. Trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử. Các cấp, các ngành phải chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm, phát huy tính năng động, tiên phong sáng tạo, thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Cốt lõi của vấn đề là nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện 10 chỉ số thành phần trong PCI đối với phát triển KT-XH, phát triển DN.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hoặc dung túng cho người thân thực hiện hành vi “cò mồi” nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho DN, người dân,.../.
Kim Quy