Năm 2017, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều chuyển biến tích cực, đạt một số kết quả đáng mừng khi tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Toàn quốc xảy ra trên 20.000 vụ TNGT làm chết trên 8.200 người, bị thương trên 17.000 người. So với năm 2016, giảm 1.500 vụ, giảm trên 400 số người chết và hơn 2.200 người bị thương. Riêng tỉnh Long An xảy ra 250 vụ TNGT (giảm 60 vụ), 134 người chết (giảm 15 người), bị thương 210 người (giảm 65 người). Tuy nhiên, điều đáng lo là vấn đề TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đặc biệt nhiêm trọng còn nhiều. Với quan điểm “tính mạng con người là trên hết” thì con số trên 8.200 người tử vong vì TNGT vẫn là nỗi đau của nhiều gia đình khi mất đi người thân yêu.
Nhìn lại những mất mát, thiệt hại vì hậu quả của TNGT, ngành chức năng và những người có trách nhiệm phải càng nâng cao quyết tâm trong công tác bảo đảm TTATGT, vì sự an toàn của người tham gia giao thông; đồng thời, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm để có giải pháp tốt hơn trong năm mới. Đây cũng là lúc mọi người cùng soi rọi lại ý thức, hành vi tham gia giao thông của mình trong năm qua để có những thay đổi tích cực trong năm mới.
Năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia phát động Năm ATGT với chủ đề “ATGT cho trẻ em” với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5-10% cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017. Do đó, “cuộc chiến” này rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là tuyên truyền, giáo dục để từng người khi tham gia giao thông chấp hành tốt quy định pháp luật. Song song đó, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Tỉnh Long An tiếp tục chú trọng công tác xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong học đường, xây dựng ý thực tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong thanh, thiếu niên. Trước hết, các gia đình, trường học cần phát huy cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ trẻ em trước vấn nạn giao thông. Người lớn cần gương mẫu trong xây dựng văn hóa giao thông để các em học tập, noi theo. Mặt khác, cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý nghiêm tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật về giao thông, tạo cho các em văn hóa chấp hành pháp luật, biết nhường nhịn, ôn hòa khi xử lý các tình huống giao thông phát sinh,…
Năm ATGT 2018 được phát động cũng là lúc bước vào đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Vì vậy, mọi người nên tuân thủ pháp luật về ATGT nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cho người khác trước thềm năm mới./.
Kim Quy