Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Trài kiểm tra quá trình thi công cầu trên trục đường T4
Theo hướng dẫn của Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Trài, chúng tôi di chuyển trên con đường T4 nối liền ấp 1, 2, 5 và 6. Đường đi thông thoáng, thẳng tắp, đá mi được trải phẳng lì, đúng chuẩn nông thôn mới (NTM), xe ôtô có thể qua lại dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Sáng, ngụ ấp 1, xã Thạnh Hòa, cho biết, gia đình ông sống bằng nghề trồng dừa. Trước đây, đường T4 là đường dân sinh, men theo bờ đê nên nhỏ, hẹp, người dân qua lại khó khăn, nhất là mỗi lần chuyên chở nông sản. Nay đường mới, rộng đã có, chính quyền địa phương còn tổ chức xây dựng cầu mới làm cho người dân vô cùng phấn khởi. Chắc chắn đời sống người dân sẽ thay đổi, bởi đường rộng, khang trang hơn để đi lại, buôn bán thuận lợi và phát triển kinh tế hơn.
Ông Phạm Văn Trài thông tin, riêng phần cầu trên tuyến đường T4 nối liền ấp 4 qua ấp 5 do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động doanh nghiệp tài trợ. Cầu được thiết kế và xây dựng ngang 2,8m, dài 32m.
Hiện nay, xã Thạnh Hòa có 7km đường trục xã được trải nhựa (Đường tỉnh 816). Xã có 41,5km đường trục ấp, trong đó có 14,3km đường đạt chuẩn NTM; 24,2km đường đang thi công; 3km đường còn lại đang được thực hiện các thủ tục đấu thầu để thực hiện trong năm 2022. Thạnh Hòa đang phấn đấu hoàn tất các tiêu chí về xã NTM để đến cuối năm 2022 được công nhận. Ngoài đường GTNT, trên địa bàn xã thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm từ nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, lãnh đạo tỉnh, huyện vận động doanh nghiệp tài trợ 15 cây cầu với kinh phí xây dựng trên 3,7 tỉ đồng. Tất cả cầu xây dựng với kết cấu chuẩn NTM, xe ôtô qua lại dễ dàng.
Bình Đức cũng là xã thuộc vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn của huyện Bến Lức. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đức - Phan Thế Châu cho biết, từ khi phát động xây dựng NTM, xã xây dựng khoảng 40 cây cầu nông thôn. Phần lớn kinh phí được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, lãnh đạo tỉnh, huyện vận động doanh nghiệp và nhân dân trong xã đóng góp. Cầu giao thông đi lại dễ dàng, người dân có điều kiện trồng trọt, khai thác sản phẩm có tiềm năng và lợi thế ở địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn.
Ngoài xây dựng cầu, Bình Đức còn có nhiều tuyến đường vừa được bêtông hóa với tiêu chuẩn NTM như tuyến liên xã, đoạn từ ấp 1 đi xã Tân Thành, ấp 5-6 đi xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa) với tổng chiều dài 9km; tuyến ấp 5-6 từ Đường tỉnh 816 đi đến cầu Ông Đốc (1,5km); đoạn từ cầu Ông Đốc đến cầu Rọc Trâm dài 1,5km đang được thi công. Riêng đoạn từ cầu Rọc Trâm đến cầu 7A khoảng 4km sẽ được phân đoạn thực hiện trong năm 2023-2024.
Cầu bắc qua Trường Tiểu học và THCS Bình Đức do doanh nghiệp tài trợ
Theo ông Phan Thế Châu, mục tiêu của Bình Đức là hoàn thành NTM vào năm 2024. Hiện nay, nhiều tuyến đường chính trên địa bàn xã cơ bản hoàn chỉnh. Bên cạnh việc duy tu, nâng cấp những tuyến đường này, hàng năm, chính quyền xã được sự hỗ trợ của cấp trên, sự chung tay, góp sức của nhân dân đầu tư xây dựng hệ thống đường trục ấp, liên xóm đảm bảo việc đi lại thuận lợi hơn cho nhân dân.
Thông tin từ UBND huyện Bến Lức, trong quí I, huyện đã khánh thành và đưa vào sử dụng 3 cây cầu nông thôn, với tổng kinh phí 2,39 tỉ đồng. Trong đó, cầu Kênh Ranh ở xã Thạnh Hòa và cầu Ba Lạc ở xã Lương Hòa có tổng kinh phí 2 tỉ đồng do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động Ngân hàng Quân đội tài trợ. Riêng cầu Bần Tăng ở xã Thạnh Hòa kinh phí 390 triệu đồng do Hội Doanh nhân TP.HCM và tỉnh tài trợ. Đồng thời, huyện tiến hành khởi công xây mới cầu Cù Lao ở xã Bình Đức.
Hy vọng, việc Bến Lức huy động mọi nguồn lực cải tạo hệ thống hạ tầng GTNT sẽ giúp các xã phía Bắc của huyện từng bước hoàn chỉnh hệ thống GTNT trục ấp, liên xóm. Qua đó, góp phần kết nối địa bàn nông thôn với trung tâm xã và huyện, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương, giao thông được thông suốt, an toàn, đặc biệt là tạo ra diện mạo mới cho các xã phía Bắc trong xây dựng NTM./.
Thu Hương