Tiếng Việt | English

02/11/2021 - 13:00

Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, bảo đảm an toàn khi lưu thông

Hiện nay, các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) kết nối với các trục lộ chính tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn. Việc hoàn thiện hạ tầng GTNT (đèn thắp sáng, biển báo, mở rộng mặt đường, cầu đường đồng bộ,...) góp phần bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông.

Trước đây, theo tiêu chuẩn cũ, khi xây dựng tuyến đường GTNT liên ấp, liên xã, nhiều nơi, chính quyền và người dân chỉ đầu tư xây dựng tuyến đường đal, cấp phối với bề rộng mặt đường từ 3,5m trở lại.

Theo thời gian, do yêu cầu phát triển KT - XH nên mặt đường nhỏ, hẹp rất khó khăn cho việc sinh hoạt, đi lại, đầu tư sửa chữa nhà cửa và phát triển kinh tế nông hộ. Ngoài ra, các tuyến đường nhỏ, hẹp còn dễ gây ra tai nạn giao thông khi nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng.

Ông Nguyễn Văn Cường - chủ trang trại đầu tư sản xuất ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An chia sẻ: “Người dân trên địa bàn rất quan tâm đến việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường GTNT, vì trước đây đường hẹp, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp đến nơi sản xuất rất khó khăn, tốn nhiều chi phí. Hơn nữa, khi xây mới hoặc sửa nhà, xe chở vật tư rất khó chạy vào, phải sang qua những xe nhỏ hơn nên đội chi phí vận chuyển lên”.

Cầu Bà Năm trên đường Nguyễn Văn Dư, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ sẽ được xây mới, đáp ứng đồng bộ cầu và đường

Tổ trưởng Tổ Nông dân ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ - Dương Thị Nhảnh chia sẻ: “Lúc trước, đường GTNT nhỏ, hẹp, mỗi lần tránh xe máy cày, xe tải là người đi bộ, xe đạp phải nép vào hàng rào. Giờ các tuyến đường GTNT được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được dễ dàng hơn”.

Được biết, tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10308 : 2014 về đường GTNT yêu cầu khi thiết kế phải tính toán đến thời gian sử dụng và lưu lượng phương tiện sẽ lưu thông trên tuyến đường. Đặc biệt, đối với tuyến đường có xe ôtô lưu thông thì phải tính toán để sử dụng bảo đảm tốc độ cho phép, tải trọng và tuổi thọ của tuyến đường cũng như độ tĩnh không khi có công trình (dây điện) cắt ngang qua đường để bảo đảm an toàn.

Theo đó, yêu cầu cơ bản của thiết kế: “Sử dụng hợp lý địa hình, vận dụng chính xác các tiêu chuẩn mặt cắt ngang, bình đồ và mặt cắt dọc để tiến hành thiết kế, khi điều kiện cho phép nên cố gắng sử dụng chỉ tiêu kỹ thuật cao,... Khi đoạn đường đi qua khu thị trấn, khu dân cư đông đúc thì nên thiết kế đi vòng mà không cắt qua, tạo thuận lợi cho người dân nhưng tránh để xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông”.

Tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Thủ Thừa

Theo quan sát của phóng viên, nhiều đoạn đường GTNT đi sát bờ tường xây gấp khúc của nhà dân, nhiều đoạn cong có cây cối che khuất tầm nhìn phía lưu thông đối diện.

Vì vậy, cần có biển báo giao thông cảnh báo về hạn chế tầm nhìn, cần giảm tốc độ và phải thường xuyên vận động người dân, đoàn thể phát quang cây cối, đoạn che khuất tầm nhìn hoặc đoạn có dây điện giăng ngang đường, thấp sà xuống sát đầu người.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa - Cao Văn Lô cho biết: “Huyện hội yêu cầu Hội Nông dân các xã, thị trấn và các chi, tổ hội vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng tuyến đường GTNT xanh, sạch, đẹp; thường xuyên phối hợp các đoàn thể tổ chức phát quang điểm có cây cối che khuất tầm nhìn; vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng tuyến đường quê an toàn, có đèn đường chiếu sáng vào ban đêm nhằm bảo đảm an toàn giao thông và an ninh, trật tự”.

Trên tuyến đường GTNT tại xã ven khu, cụm công nghiệp và các đô thị lớn thì giao thông khá phức tạp, nhất là vào ban đêm. Chính vì vậy, việc vận động người dân đóng góp xây dựng hệ thống đèn đường và xây dựng biển báo hiệu, gờ giảm tốc ven khu vực ngã ba, ngã tư là hết sức cần thiết.

Ông Đoàn Văn Sử (ấp 3, xã Long Định, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Các tuyến đường GTNT của xã kết nối với Đường tỉnh 830 đều có đèn đường thắp sáng, bảo đảm an toàn giao thông. Người dân đi làm và học sinh đi học vào ban đêm rất thuận tiện, không sợ cướp giật”. Được biết, xã Long Định giáp thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, trên địa bàn xã có khá nhiều khu, cụm công nghiệp, dân cư đông.

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, hạ tầng GTNT nói riêng, hạ tầng giao thông trong tỉnh nói chung trong những năm gần đây được quan tâm, đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã nhân rộng khắp toàn tỉnh, các tuyến đường bêtông xi măng, tráng nhựa,... đang được đầu tư xây dựng vừa bảo đảm việc đi lại thuận tiện, vừa tạo sự gắn kết giữa Nhà nước với nhân dân và phát triển mạnh ở một số địa phương như Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Cần Đước,...

Toàn tỉnh có 110 xã/161 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, chiếm 68,32%; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã. Các huyện: Tân Trụ, Đức Hòa, Tân Thạnh, Cần Đước,... đều phát động khi xây mới, nâng cấp đường GTNT, quyết tâm mở rộng mặt đường từ 5m trở lên nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và bảo đảm an toàn giao thông.

Mộc Lâm

Chia sẻ bài viết