Tiếng Việt | English

14/07/2015 - 20:13

Iran chịu nhượng bộ để ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Iran chấp nhận sẽ bị trừng phạt trở lại trong vòng 65 ngày nếu vi phạm thỏa thuận hạt nhân đã ký.

 Ngoại trưởng Iran Zarif vẫy tay từ balcon khách sạn Palais Coburg (Vienna), nơi tổ chức cuộc đàm phán hạt nhân Iran (ảnh: Reuters)

Các nhà ngoại giao phương Tây cho hay, theo thỏa thuận cuối cùng, Iran đã chấp nhận cơ chế “đổi hướng” mà theo đó, nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã ký thì một số lệnh trừng phạt sẽ được khôi phục trong vòng 65 ngày. Ngoài ra, một lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ vẫn có hiệu lực trong 5 năm, còn lệnh cấm mua công nghệ tên lửa sẽ được duy trì trong 8 năm.

Đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là một thắng lợi lớn về chính sách cho cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rowhani.

Cả hai vị tổng thống đều đối điện với sự hoài nghi từ những người theo đường lối cứng rắn ở nước mình sau nhiều thế kỷ thù địch giữa hai nước (Iran gọi Mỹ là con Quỷ lớn Satan, còn Mỹ gọi Iran là thành viên của trục ma quỷ).

Các cuộc đàm phán nước rút diễn ra ở Vienna trong gần 3 tuần qua, với các cuộc đàm phán kéo dài liên tục giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Iran trong bối cảnh hai nước cùng đối mặt với kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry (ảnh: Reuters)

Đối với Iran, việc chấm dứt các lệnh trừng phạt hứa hẹn sẽ kéo theo sự bùng nổ kinh tế Iran nhờ dỡ bỏ các hạn chế như là cắt giảm đáng kể các xuất khẩu dầu của Iran.

Tuy nhiên thỏa thuận mới ký ngay lập tức đối mặt với thái độ thù địch từ đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông là Israel.

Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely nhắn trên mạng Twitter thông điệp sau: “Thỏa thuận này là sự đầu hàng có tính lịch sử của phương Tây trước trục ma quỷ do Iran đứng đầu. Israel sẽ phản ứng bằng tất cả các phương tiện nhằm ngăn chặn việc phê chuẩn thỏa thuận đó”.

Nơi tổ chức đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna, Áo (ảnh: Reuters)

Thỏa thuận nói trên vẫn phải đối diện với việc xem xét tại Quốc hội Mỹ, hiện đang do phe Cộng hòa kiểm soát. Phe này nghi ngờ về “khúc dạo đầu” của chính quyền Obama với một đất nước được coi là kẻ thù của Mỹ kể từ khi nổ ra Cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực như là Saudi Arabia cũng lo ngại về một thỏa thuận có lợi cho Iran./.

Trung Hiếu/VOV.VN
Theo Reuters

Chia sẻ bài viết