Tiếng Việt | English

17/12/2020 - 10:12

Kết nối điểm bán hàng OCOP - nối dài giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng

Điểm bán hàng OCOP được xây dựng, đi vào hoạt động giúp người dân có cơ hội tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, giá thành hợp lý, làm phong phú thêm các sản phẩm nông sản và bình ổn thị trường.

Đại biểu tham quan điểm bán hàng OCOP

Đại biểu tham quan điểm bán hàng OCOP

Sản phẩm của sự sáng tạo

Dohavi là sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo của Công ty (Cty) TNHH Nuôi trồng và Chế biến đông trùng hạ thảo Việt Nam đóng trên địa bàn xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Cty này được sáng lập bởi doanh nhân Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Cty Cổ phần TM&ĐT Chanh Việt. Ông Hiển là một trong những tên tuổi lớn về nông nghiệp sạch với thương hiệu Chavi, thương hiệu chanh không hạt. Với Chavi, ông đã thành công khi đưa quả chanh Việt Nam ra thế giới, nâng cao giá trị của nông sản và cuộc sống của người dân Việt. Tiếp bước thành công đó, ông Hiển xây dựng thương hiệu Dohavi với phương châm nâng giá trị cho quả chanh bằng sản phẩm chế biến, bởi trong các sản phẩm này đều có sử dụng vỏ chanh.

Ông Hiển cho rằng, ông không phải là người đầu tiên nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ đó Dohavi đã chắt lọc cho mình những kinh nghiệm quý giá của những người đi trước. Cùng với tư duy sáng tạo và sự nghiên cứu nghiêm túc, Dohavi đã đưa đông trùng hạ thảo đến gần gũi với mọi người hơn bằng những sản phẩm tiên phong và đột phá. Hiện nay, Dohavi đã có các dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, trà thảo mộc đông trùng hạ thảo, trà Ô long đông trùng hạ thảo cao cấp, bột dinh dưỡng đông trùng hạ thảo và rượu đông trùng hạ thảo.

Hiện nay, sản phẩm Dohavi được xuất khẩu qua nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh,... Tại Việt Nam, sản phẩm được phân phối qua hệ thống siêu thị Aeon, Lotte, các trang thương mại điện tử. Đặc biệt, các sản phẩm từ Chanh Việt được chọn tham gia quảng bá, giới thiệu tại điểm bán hàng OCOP. Theo ông Hiển, thông qua chương trình, các sản phẩm của Chanh Việt sẽ được kết nối rộng khắp với các khách hàng trong khu vực, góp phần đưa những giá trị tốt đẹp được đúc kết bằng tâm huyết của tập thể Chanh Việt đến cộng đồng.

Cty TNHH Thảo Dược Ông Ba Đất Phèn (ấp 3, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) là doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất các loại dược liệu như tinh dầu, các loại thực phẩm chức năng, sản phẩm tẩy rửa dùng trong gia đình,... Đại diện Cty cho biết, tất cả sản phẩm làm ra được chiết xuất bởi các loại dược liệu trồng từ khu vườn dược liệu tại Cty và liên kết với nông dân như: Tràm, sả, nghệ, nhàu, chanh, cam,... Tất cả đều mang tiêu chí không sử dụng hóa chất, chăm sóc sức khỏe người dùng từ quá trình nghiên cứu, lao động, sáng tạo của tập thể Cty.

Các sản phẩm được quảng bá, trưng bày, bán tại điểm bán hàng OCOP

Các sản phẩm được quảng bá, trưng bày, bán tại điểm bán hàng OCOP

Hiện tại, các sản phẩm của Cty được phân phối thông qua các nhà thuốc Tây, các cửa hàng tiện ích. Nếu như trước đây, có thời điểm Cty khó khăn về đầu ra sản phẩm nhưng thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, sản phẩm của Cty được người tiêu dùng sử dụng nhiều. Mới đây, các sản phẩm còn được Sở Công Thương giới thiệu, kết nối vào bán tại điểm bán hàng OCOP. Với điểm bán này, Cty hy vọng sản phẩm được giới thiệu đến với khách qua lại trên tuyến đường này.

Nối dài giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng

Sở Công Thương vừa phối hợp Vụ Thị trường trong nước tổ chức khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Quốc lộ N2, ấp 1, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa. Đây là điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng. Điểm bán này nằm trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Lê Việt Nga chia sẻ, Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 07-5-2018. OCOP được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị mà chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã.

Đến nay, Chương trình OCOP được thực hiện ở hầu hết địa phương trên cả nước, tạo ra hàng ngàn sản phẩm hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân trong phát triển hàng hóa, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của OCOP. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm. Hiện nay, cả nước có 47 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 2.088 sản phẩm, trong đó có 48 sản phẩm được đề xuất Trung ương đánh giá công nhận 5 sao, 674 sản phẩm đạt 4 sao, 1.366 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP quốc gia. Đối với sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, năm 2019 có 110 sản phẩm được xếp hạng cấp quốc gia; năm 2020, Bộ Công Thương đang đánh giá, xếp hạng khoảng 300 sản phẩm cấp vùng hoặc khu vực.

Từ năm 2019-2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 22 địa phương triển khai xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Nói về điểm bán hàng tại Long An, bà Lê Việt Nga cho rằng, đây là điểm bán thuận lợi, nơi dừng chân của khách trên cung đường kết nối giữa TP.HCM và miền Tây.

Tại điểm bán hàng OCOP, sản phẩm được phân phối gồm: Sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng; sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm trong kế hoạch OCOP; danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu; sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền do Sở Công Thương lựa chọn. Đặc biệt là có 4 sản phẩm được công nhận đầu tiên của tỉnh thuộc sở hữu Cty TNHH Nuôi trồng và Chế biến đông trùng hạ thảo Việt Nam. Các sản phẩm này được đánh giá phân hạng 4 sản phẩm, gồm các mặt hàng: Bột dinh dưỡng đông trùng hạ thảo; Trà Ô long đông trùng hạ thảo cao cấp; trà thảo mộc đông trùng hạ thảo; đông trùng hạ thảo khô. Đây đều là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hiện tỉnh hoàn thiện hồ sơ đánh giá thêm 10 sản phẩm. Ngoài ra, còn có 14 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh và 150 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Sản phẩm Dohavi từ đông trùng hạ thảo, sản phẩm đầu tiên được công nhận OCOP của tỉnh Long An

Sản phẩm Dohavi từ đông trùng hạ thảo, sản phẩm đầu tiên được công nhận OCOP của tỉnh Long An

Ông Trần Ngô Hồng Khanh - người phụ trách điểm dừng chân Đồng Tháp, cho biết, điểm dừng chân đi vào hoạt động năm 2018. Bình quân mỗi ngày, điểm dừng chân đón tiếp hơn 2.000 lượt khách từ nhiều nhà xe trên cung đường TP.HCM về miền Tây. Khi điểm dừng chân được chọn làm điểm bán hàng OCOP, ông sẽ phối hợp tốt với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trao đổi hàng hóa, giới thiệu, quảng bá đến khách. Tiêu chí của ông là không nâng giá sản phẩm để khách hàng dễ dàng tiếp cận, mua dùng.

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt cho rằng, điểm bán hàng này đi vào hoạt động sẽ giúp người dân có cơ hội tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, giá thành hợp lý, làm phong phú thêm các sản phẩm nông sản và bình ổn thị trường. Hy vọng sau khi điểm bán đi vào hoạt động, tiếp tục duy trì và phát triển điểm bán hiệu quả, bền vững. Qua đó, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển làng nghề, góp phần phát triển kinh tế nông thôn nói riêng, kinh tế của toàn tỉnh nói chung./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích