Tiếng Việt | English

01/12/2016 - 14:43

Kêu gọi ngừng các hành vi sỉ nhục, ngược đãi bệnh nhân HIV/AIDS

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu khai mạc một sự kiện đặc biệt kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 30/11 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chấm dứt những hành vi sỉ nhục và ngược đãi những con người phải chung sống với căn bệnh thế kỷ này đồng thời đảm bảo rằng các bệnh nhân được hưởng sự chăm sóc, điều trị và sự bảo vệ mà họ đáng được hưởng.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn lời ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Những người sáng lập phong trào phòng chống HIV/AIDS đã đúc kết rằng sự căm ghét và sự cố chấp làm lây lan dịch bệnh và sự im lặng đồng nghĩa với cái chết. Lòng khoan dung và sự nhận thức góp phần chấm dứt AIDS."

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh đến những tiến bộ mà các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã đạt được trong cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ này, trong đó có giảm một nửa số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ và tăng gấp đôi số người bệnh được tiếp cận thuốc men.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia hành động để đảm bảo thực hiện được mục tiêu là tới năm 2030 sẽ có 30 triệu bệnh nhân được điều trị. Theo ông, để đạt được mục tiêu này các nhân viên y tế cần phải đến với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất - những phụ nữ trẻ ở châu Phi , những người nghiện ma túy, những người đồng tính, và những người nghèo cần dịch vụ và sự chăm sóc.

Cũng tại sự kiện nêu trên, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã được tôn vinh là người đã có công dẫn dắt cuộc chiến chống HIV/AIDS trong suốt thời gian ông đảm nhận vai trò lãnh đạo Liên hợp quốc.

Ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV and AIDS (UNAIDS) cho biết trong 10 năm qua, UNAIDS đã tăng cường được các chiến dịch chấm dứt đại dịch với việc số người người được điều trị đã tăng vọt từ mức chỉ có 3 triệu người lên tới con số hiện nay là hơn 13 triệu.

UNAIDS là đơn vị tổ chức sự kiện trên với chủ đề "Cùng nhau tiến lên: Không để ai bị bỏ lại phía sau" nhằm huy động nỗ lực tập thể để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Tham dự sự kiện này còn có ông Peter Thomson, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc; ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành UNAIDS; bà Lorena Castillo de Varela, Đệ nhất phu nhân của Panama.

Các nhà hoạt động danh tiếng cho phong trào phòng chống AIDS cũng tham dự sự kiện này, trong đó phải kể đến nhà thiết kế thời trang Kenneth Cole, hiện là Đại sứ thiện chí của UNAIDS; cựu siêu mẫu Naomi Campbell, và Rebecca Awiti, một người mẹ Kenya mang trong mình virus HIV, song có ba người con đều âm tính với HIV. Người phụ nữ này đã được điều trị đặc biệt trong thời gian mang thai để ngăn chặn truyền HIV sang con.

Một hoạt động nổi bật khác của Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay là phát động chiến dịch ngăn ngừa HIV bằng cách tuyên truyền những khía cạnh khác nhau của nỗ lực ngăn chặn HIV cũng như nguy cơ nhiễm HIV ở những nhóm người cụ thể, như bé gái vị thành niên, phụ nữ trẻ.../. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết