Tiếng Việt | English

25/02/2017 - 07:42

Khám sức khỏe tiền hôn nhân - Nền tảng cho cuộc hôn nhân bền vững

Việc thực hiện mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân (SKTHN) giúp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức để có cuộc hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, mô hình này luôn được các địa phương quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả thiết thực.

Nâng cao nhận thức

Thời gian qua, nhờ được tuyên truyền, vận động, thanh niên trước khi kết hôn ngày càng hiểu rằng, khám SKTHN vô cùng quan trọng. Do vậy, năm 2016, mô hình này đạt kế hoạch đề ra với 11.931 trường hợp được tư vấn và khám sức khỏe THN, vượt trên 10%. Qua đó, phát hiện 415 ca dương tính viêm gan B, 60 ca thiếu máu và 1 trường hợp nhiễm HIV. Trong các địa phương, Thạnh Hóa và Tân Trụ, tỉnh Long An là 2 đơn vị thực hiện tốt mô hình này.

Nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn sẽ được khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các Bệnh viện Đa khoa Khu vực và Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh

Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Thạnh Hóa - Võ Hoàng Liêm cho biết: “Năm qua, toàn huyện có 370 ca khám SKTHN, đạt gần 103% kế hoạch. Theo đó, có 17 trường hợp dương tính viêm gan B. Từ đó, những trường hợp này được hướng dẫn điều trị kịp thời, dự phòng lây nhiễm bệnh. Để mô hình đạt hiệu quả cao, chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền, tổ chức giám sát các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch. Theo đó, 40% các cặp nam, nữ trước khi kết hôn tự đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện. Các cặp nam, nữ còn lại cũng được vận động đến khám trong các đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/KHHGĐ”.

Nhờ công tác truyền thông được chú trọng mà thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn trên địa bàn huyện dần hiểu được tầm quan trọng của việc tư vấn và kiểm tra SKTHN. Chị Võ Thị Ánh Dương, 26 tuổi, ngụ ấp Vườn Xoài, xã Thuận Nghĩa Hòa chia sẻ: “Khám SKTHN giúp tôi kiểm tra tình trạng sức khỏe, khả năng sinh sản, tránh được các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con sau này”.

Thời gian tới, Thạnh Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; quản lý đối tượng chuẩn bị kết hôn để tuyên truyền tại hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác viên; kết hợp phát tờ rơi, tờ bướm về CSSKSS/KHHGĐ. Trung tâm sẽ tập huấn, xây dựng và củng cố mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; duy trì góc tư vấn tại Khoa Sản thuộc Trung tâm Y tế huyện; tổ chức tư vấn tại cộng đồng, trạm y tế nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông.

Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tân Trụ - Lê Thị Thanh Nga thông tin: Ngay từ đầu năm, ngành phối hợp Huyện đoàn, Phòng Tư pháp triển khai đến các xã, thị trấn cung cấp thông tin, tư vấn cho các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Ngoài việc tuyên truyền, đội ngũ cộng tác viên tích cực rà soát, lập danh sách, quản lý chặt chẽ kết hợp vận động nâng cao nhận thức các đối tượng. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền rất phong phú: Vãng gia tại hộ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm, tổ chức nói chuyện chuyên đề, phát thanh qua hệ thống loa, đài của huyện, xã, thị trấn và cấp phát tờ rơi đến người dân. Nhờ vậy, năm qua, toàn huyện có 528 lượt nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám SKTHN, đạt trên 112% kế hoạch. Qua đó, Tân Trụ phát hiện 17 trường hợp dương tính với viêm gan B cần được theo dõi và tư vấn điều trị.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ - Trần Thị Ngọc Hiền cho biết: Trước đây, người dân chưa có ý thức cao trong việc đăng ký khám SKTHN. Tuy nhiên, nhờ sự tích cực của đội ngũ cộng tác viên, sự phối hợp của các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cán bộ Tư pháp mà ý thức khám SKTHN của thanh niên ngày càng tăng. Năm 2012, toàn xã chỉ có 24 lượt khám SKTHN, con số này tăng dần qua từng năm; đến năm 2016, số lượt khám SKTHN vượt chỉ tiêu 20%. Nhờ khám SKTHN mà nhiều trường hợp có bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B được phát hiện, trung bình mỗi năm 4 trường hợp. Từ đó, người dân ngày càng tin tưởng và hợp tác khi các cộng tác viên, cán bộ DS-KHHGĐ cùng đoàn thể đến tư vấn.

Nhờ tăng cường tuyên truyền, thanh niên ngày càng nhận thức được ý nghĩa của khám sức khỏe tiền hôn nhânTiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bên cạnh những kết quả, mô hình tư vấn và kiểm tra SKTHN trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Ở các địa phương, đa số thanh niên nam, nữ thường đi làm ăn xa nên không thể tham gia. Một số nam, nữ thanh niên còn ngần ngại khám sức khỏe vì sợ phát hiện ra bệnh lý làm ảnh hưởng đến việc cưới hỏi.

Thời gian tới, Long An tiếp tục duy trì các kết quả, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để thanh niên được tiếp cận các thông tin cơ bản về tình dục an toàn, lành mạnh; phòng, tránh có thai ngoài ý muốn, hậu quả của nạo phá thai; phòng, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phấn đấu để ngày càng có nhiều cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và kiểm tra sức khỏe.

Khám SKTHN là bước chuẩn bị quan trọng cho một cuộc sống hôn nhân bền vững. Hạnh phúc lứa đôi chỉ thực sự trọn vẹn khi sức khỏe của vợ chồng được bảo đảm. Khám SKTHN không chỉ là sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm với người bạn đời và tương lai của thế hệ mai sau.

- Nam nữ trước khi kết hôn (trừ trường hợp kết hôn liên quan yếu tố nước ngoài), có giấy giới thiệu của UBND xã, phường, thị trấn sẽ được tư vấn khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm HIV, viêm gan B miễn phí tại các bệnh viện đa khoa khu vực và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. 

- Nguyên tắc tư vấn về SKTHN: Tự nguyện; tôn trọng nhân thân và bảo đảm bí mật riêng tư; phù hợp với pháp luật hiện hành.

- Những lợi ích của việc chăm sóc SKTHN:

  • Bảo đảm cho hôn nhân bền vững khi các cặp đôi được chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống hôn nhân về sau; giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
  • Sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, phát hiện và điều trị sớm (nếu có) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, nâng cao chất lượng dân số.

- Nội dung khám SKTHN gồm:

  • Khám sức khỏe tổng quát nhằm phát hiện bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và người bạn đời như: Viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục,...
  • Khám cơ quan sinh sản giúp phát hiện những bất thường về cấu tạo giải phẫu cũng như chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục.
  • Những bệnh có tính di truyền, viêm gan A, B, bệnh cơ quan sinh dục, bệnh tâm thần,... Kiểm tra sức khỏe tổng quát, lâm sàng, chụp X-quang tim - phổi, xét nghiệm HIV, tinh dịch đồ, khám phụ khoa, xét nghiệm dịch âm đạo,...

Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh chuẩn bị tổ chức thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2017.

Chiến dịch sẽ được triển khai tại 167 xã, phường thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung vào các đối tượng: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1 hoặc 2 con trở lên chưa thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại nhưng viêm nhiễm đường sinh dục; phụ nữ mang thai và nam, nữ chuẩn bị kết hôn. 

Thời gian diễn ra chiến dịch đợt 1 trong vòng 1,5 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 3/2017 và kết thúc trước ngày 30/4/2017.

Quang Nguyên - Cát Tường

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích