Điểm đầu tư hấp dẫn
Long An có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp TP.HCM và là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Tỉnh được đánh giá là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường trong khu vực, nhất là TP.HCM.
Long An luôn chú trọng đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông để phục vụ sự phát triển của địa phương và của vùng
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, với lợi thế về vị trí, đến nay, tỉnh thu hút đầu tư được 28 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 11.000ha (trong đó, hơn 5.000ha đất công nghiệp hạ tầng đã hoàn chỉnh, sẵn sàng cho thuê), 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.500ha. Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phân bố hợp lý, vị trí gần TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp đều thuận lợi về đường bộ và đường thủy, quy hoạch cảng biển của tỉnh có khả năng tiếp nhận tàu 70.000DWT,…
Với chủ trương tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, an toàn và hiệu quả, tỉnh luôn quan tâm đến công tác cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không ngừng được cải thiện qua từng năm. Đồng thời, tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, phục vụ phát triển công nghiệp.
Theo Giám đốc Hành chính - Quản trị KCN Hòa Bình (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) - Đặng Trung Tín, Long An có vị trí thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp (DN). Công ty hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2008. Trong quá trình hoạt động, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương. Hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Hiện nay, KCN gần như lấp đầy toàn bộ các vị trí.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn (chủ đầu tư KCN Hải Sơn, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Quang Hiến cho biết, môi trường đầu tư tại Long An rất hấp dẫn. Địa phương luôn chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh để DN hoạt động. Lãnh đạo tỉnh kịp thời lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc của DN, từ đó DN an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn KCN rộng hơn 500ha, lấp đầy hơn 95% với trên 380 DN đầu tư tại đây.
Khẳng định vị trí
KT-XH của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí cũng như những đóng góp vào sự phát triển của cả nước nói chung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.
Long An ngày càng khẳng định vị trí của mình trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh thông tin, nếu năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,0% thì năm 2018 đạt 10,36%. Trung bình giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 9,76%. Con số này cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 68,6 triệu đồng, hộ nghèo còn 2,22%.
9 tháng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. Trong đó, khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp) tăng 2,17%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 14,65%, khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 7,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 13.436 tỉ đồng, đạt 98,2% dự toán Trung ương, 97,8% dự toán HĐND tỉnh giao, 92,5% dự toán phấn đấu và tăng 26,2% so cùng kỳ năm 2018. Toàn tỉnh hiện có 16 KCN đang hoạt động, lấp đầy hơn 85%, 22 cụm công nghiệp đang hoạt động, lấp đầy gần 87%. Năm 2018, Long An xếp thứ 3 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
“Những con số trên đã minh chứng rằng, Long An ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tin tưởng, tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển hơn nữa trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh./.
Lực Nguyễn