Sáng 06/5 tại Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu nêu các giải pháp để giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bứt phá, tiếp tục khẳng định là “đầu kéo” kinh tế cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Lượng)
Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của các vùng kinh tế trọng điểm, đã hình thành từ nhiều năm, nhưng chưa có hội nghị lớn bàn về việc phát triển vùng. Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra nhằm tạo các tam giác phát triển khu vực và cả nước, đặc biệt nhằm tạo ra sự liên kết trong phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, Đại hội Đảng lần thứ VI đã chọn một số tỉnh hình thành 4 vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh có khả năng đột phá, tạo thế và lực phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hiện nay, 4 vùng chiếm 27% diện tích, 27% dân số, chiếm 89% GDP cả nước. Riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, là nơi hội tụ đủ điều kiện phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ cao cấp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hình thành trung tâm dịch vụ với dịch vụ logistic, vận tải...., hạ tầng tương đối đồng bộ hơn các vùng khác. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ.
Thủ tướng đề nghị tại hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng phát triển, khó khăn, vướng mắc, các hạn chế, yếu kém, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của vùng, trước mắt là nhiệm vụ và mục tiêu của năm 2019-2020, hoàn thành tốt kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Trong các giải pháp thúc đẩy phát triển vùng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần lưu ý đến tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, xung đột chính trị khu vực và thế giới ảnh hưởng đến tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút đầu tư của nước ta.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ, ngành, các học giả, nhà đầu tư, đề xuất giải pháp để khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển đúng hướng, trở thành động lực được khẳng định mạnh mẽ hơn, tiếp tục là “đầu tàu, đầu kéo” cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (Ảnh: Xuân Lượng)
Trong các giải pháp đề xuất cần lưu ý cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính để tạo điều kiện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá hơn nữa; đề xuất các thể chế, cơ chế trong điều phối vùng để nâng cao hiệu quả liên kết vùng.
Đánh giá một số mô hình liên kết đã xuất hiện trong vùng nhưng chưa thực sự rõ nét, Thủ tướng đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng để có thể kết luận thành chủ trương, giải pháp.
Thủ tướng lưu ý các địa phương “không nói nhiều về thành tích” mà cần nêu các vướng mắc, nút thắt để thảo luận giải pháp thúc đẩy phát triển vùng, thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra theo Quyết định số 252 (năm 2014) của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước và còn nhiều tiềm năng phát triển.
Thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn là vùng kinh tế năng động bậc nhất nước ta, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Năm 2018, kinh tế vùng đóng góp 45,4% GDP của cả nước, với vai trò trọng tâm là 4 tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đạt được kết quả này là nhờ cơ cấu kinh tế của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, trong đó có khai thác dầu khí, sản xuất điện, phân bón, cơ khí, dệt may, giày da, đồ gỗ. Rất nhiều ngành của vùng có tỷ trọng chiếm trên 50% so với cả nước.
Năm 2018, vùng có thêm trên 58 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 44,2% cả nước. Vùng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, năm 2018 đã thu hút 14,7 tỷ USD (vốn đăng ký). Hiện vùng có 15.700 dự án FDI đang hoạt động, chiếm 55% về số dự án và 45% về số vốn so với cả nước.
Toàn vùng có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, chiếm gần 43% về số lượng so với cả nước.
Vùng cũng có điều kiện giao thông vận tải thuận lợi với hệ thống cảng, sân bay quốc tế lớn nhất cả nước, đưa vùng trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics,... lớn nhất Việt Nam.
Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người là gần 5.500 USD, gấp hơn 2 lần bình quân cả nước, về đích sớm so với mục tiêu đề ra trong Quyết định 252 của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 là đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD.
Tuy nhiên, tăng trưởng của vùng co xu hướng chậm dần. So với mục tiêu nêu ra trong Quyết định 252 là tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 khoảng 8,5 đến 9% thì giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng của vùng bình quân mới đạt 6,72%. Trong phát triển công nghiệp, vùng chưa có thêm các sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao, hàm lượng giá trị gia tăng cao... Năm 2018, vùng không đóng góp vào xuất siêu cả nước mà lại là nhập siêu 200 triệu USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của các địa phương trong vùng chưa cao.../.
Vũ Dũng/VOV.VN (BĐT tổng hợp)