Huy động mọi nguồn lực để phát triển
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết: Đến thời điểm này, Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải thực hiện khá tốt.
Hiện có 3/14 công trình hoàn thành, 7 công trình đang thi công, các công trình còn lại khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ triển khai thi công. 14 công trình giao thông này đi qua các huyện phát triển công nghiệp, kết nối các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trên địa bàn tỉnh thuộc các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc.
Khi các công trình hoàn thành tạo động lực để tỉnh thu hút đầu tư tốt hơn ở các K,CCN, góp phần phát triển KT-XH nhanh và bền vững, vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam.
Đường tỉnh 830 đang được thi công (đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức) (Ảnh chụp ngày 25/8/2017)Nhằm thực hiện các tuyến giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong khi nguồn vốn ngân sách có hạn, chủ trương của tỉnh là huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Nhìn chung, các tuyến đường khởi công nhận được sự đồng thuận cao của người dân nơi các công trình đi qua. Đặc biệt, ở các dự án huy động vốn từ doanh nghiệp đều nhận được sự quan tâm, đồng hành của họ.
Qua đó, doanh nghiệp cũng có thể đón bắt cơ hội mới trong lĩnh vực đầu tư. Tiêu biểu có các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty TNHH Hải Sơn, Công ty TNHH May thêu Thuận Phong, Công ty Cổ phần Prodezi,...
Đường Lương Hòa - Bình Chánh là 1 trong 14 công trình giao thông trọng điểm có chủ trương đầu tư, quy mô dự án với nền đường rộng 30m. Tuyến đường này sẽ do Công ty Cổ phần Prodezi Long An góp vốn 71%, phần còn lại ngân sách tỉnh.
Tuyến đường đi qua các xã: Lương Hòa, Tân Hòa (huyện Bến Lức), đồng thời sẽ là tuyến kết nối với KCN Prodezi và KCN Tandoland do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Đô đầu tư (2 KCN này, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận với diện tích quy hoạch 650ha).
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Prodezi Long An - Nguyễn Tất Thắng cho biết: “Khi mọi thủ tục về làm đường cũng như KCN hoàn thành, chúng tôi cam kết giải phóng mặt bằng một lần, thực hiện đồng bộ các dự án khu dân cư, KCN và hoàn thành tuyến đường trong năm 2020. Với kinh nghiệm trong thu hút đầu tư ở KCN Tân Đô, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư từ nhiều doanh nghiệp có nguồn lực tốt. Song song đó, khi hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ, khu vực này sẽ hình thành nhiều dự án khác cùng phát triển: Khu dân cư Lương Hòa, Khu dân cư Prodezi, Khu liên hợp công viên Hoa Sen,... Khi dự án KCN được chấp thuận và hình thành, sẽ tạo điều kiện cho người dân trong khu vực có việc làm ổn định, tăng thu nhập, mang lại nhiều lợi ích KT-XH cho địa phương”.
Ngoài 14 công trình giao thông quan trọng, tỉnh còn 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập), Đường Vành đai TP.Tân An (bao gồm cả cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) và Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Đây là các công trình được xác định phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020).
Theo đó, mục tiêu đề án: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình thí điểm trồng rau quả ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm Khuyến nông Long AnLúa, thanh long, rau màu và bò thịt là 4 loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn để thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính: Giống, canh tác và sau thu hoạch. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC: 20.000ha sản xuất lúa trong vùng lúa cao sản xuất khẩu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An và vùng chăn nuôi bò thịt tại 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ hình thành từ 1 đến 2 cơ sở ươm tạo CNC.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng phấn khởi: “Sau gần 2 năm thực hiện phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết quả bước đầu khá khả quan. Nhiều vùng chuyên canh cây trồng như: Thanh long, lúa, chanh, chuối,... ƯDCNC được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân”.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, Công ty TNHH MTV RRFARN Green Farm (KCN Long Hậu, huyện Cần Giuộc) đầu tư sản xuất rau khép kín theo công nghệ Nhật Bản.
Là doanh nghiệp chuyên về ngành nông nghiệp, những năm gần đây, Công ty TNHH Huy Long An đầu tư vốn nuôi bò Úc vỗ béo kết hợp trồng chuối theo hướng canh tác hữu cơ tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ.
Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy thông tin: “Hiện tại, công ty chăn nuôi và vỗ béo bình quân từ 5.000-10.000 con bò mỗi lứa và ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp trong nước. Riêng vườn chuối ƯDCNC có diện tích khoảng 150ha, sản phẩm phần lớn dành cho xuất khẩu”.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Long Trì - Lê Minh Chánh chia sẻ: “HTX thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trái thanh long của nông dân với giá cả, đầu ra ổn định. HTX đang tập trung sản xuất quy mô lớn, sản phẩm đạt chất lượng cao về an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính”. Hiện HTX liên kết với nông dân sản xuất trên 300ha thanh long, năng suất khoảng 16.000 tấn/năm.
Ðến nay, toàn tỉnh có 1.450ha sản xuất lúa ƯDCNC, trong đó, nông dân sử dụng máy cấy 450ha, san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer khoảng 1.000ha, lúa sản xuất theo VietGAP có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Về sản xuất rau, tỉnh triển khai xây dựng hơn 500ha sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học với 249 hộ tham gia tại 4 HTX và 4 tổ hợp tác trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa. Các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha/năm so với bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha/năm không ƯDCNC.
Ông Lê Văn Hoàng cho biết thêm: “Mục tiêu của Long An là phát triển nông nghiệp ƯDCNC, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án này dựa trên nền tảng phát huy các nguồn lực xã hội, trong đó, nguồn lực nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn và hiệu quả”./.
Mai Hương