Tiếng Việt | English

24/02/2016 - 19:40

Khi nông dân làm nhà khoa học

Là nông dân chân chất nhưng với niềm đam mê sáng tạo, ông Phạm Tấn Phát (50 tuổi), ngụ ấp Thuận Hòa 1, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mày mò sáng chế ra máy gieo và máy tuốt đậu phộng.

Những chiếc máy do ông sáng chế được các ngành chức năng đánh giá cao tại các cuộc thi sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.


Ông Phạm Tấn Phát bên chiếc máy gieo đậu phộng

Với ý tưởng giúp nông dân trồng đậu phộng bớt vất vả và giảm chi phí, cuối năm 2013, ông Phát bắt tay vào nghiên cứu chế tạo chiếc máy gieo đậu phộng. Ông vay 40 triệu đồng mua chiếc máy cày hiệu Kubota 2000 của Nhật Bản về nghiên cứu. Chỉ một năm sau, ông chế tạo và lắp đặt thành công bộ chế gieo đậu phộng gắn trên chiếc máy cày Kubota. Bộ chế gồm có thùng chứa hạt đậu phộng, các bánh răng đâm lỗ trên đất, hệ thống tự động bỏ hạt vào lỗ và bộ phận lấp đất. Người sử dụng chỉ cần ngồi trên chiếc máy cày và điều khiểu máy làm 5 công đoạn gồm: Làm đất, lên luống, trang đất, vét máng, làm lỗ, bỏ hạt.

Chiếc máy đưa vào vận hành được đánh giá cao khi giúp nông dân giảm bớt sức lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, 1ha đất ruộng nếu phải làm đất, gieo đậu phộng bằng thủ công thì mất thời gian một ngày và cần nhiều lao động với chi phí bỏ ra khoảng 6 triệu đồng. Trong khi đó, với chiếc máy do ông Phát sáng chế, việc gieo hạt cho 1ha đậu phộng chỉ cần một lao động điều khiển máy trong hơn 3 giờ với chi phí là 2 triệu đồng.

Từ thành công của chiếc máy gieo đậu phộng, năm 2014, ông Phát tiếp tục nghiên cứu thành công bộ chế tự động tuốt đậu phộng. Bộ chế này cũng được gắn cố định trên chiếc máy cày hiệu Kubota 2000 của Nhật Bản. Đậu phộng sau khi nhổ, được sắp xếp ngay hàng thẳng lối trên mặt ruộng, người điều khiển chỉ cần lái máy chạy qua, hệ thống dây băng tự động sẽ cuốn đậu phộng vào để tuốt, tách lấy hạt và cho vào bao được gắn ở bên máy. Hạt đậu phộng tuốt ra rất sạch, không rơi vãi như khi lặt bằng thủ công.

“1ha đậu phộng nếu 40 người lặt bằng tay thì phải 1 ngày mới xong và phải bỏ ra chi phí 9 đến 10 triệu đồng thuê nhân công. Nhưng với máy tuốt do tôi sáng chế chỉ mất 4 đến 5 tiếng là xong và chỉ cần 1 lao động để điều khiển máy, toàn bộ chi phí hơn 4 triệu đồng” - ông Phát giới thiệu những lợi ích của chiếc máy tuốt đậu phộng.

Ông Phát cho biết, có nhiều người khi nghe chuyện ông sáng chế máy móc đã gọi ông là “kỹ sư điên”. Nếu không có đam mê, kiên trì thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Và, sự kiên trì, niềm đam mê sáng tạo của ông mang đến sự thành công, giúp nông dân giảm bớt vất vả, chi phí khi trồng đậu phộng./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết