Tiếng Việt | English

29/03/2017 - 13:56

Khi phụ nữ làm kinh tế

Còn trẻ nhưng với quyết tâm làm giàu từ ruộng vườn, chị rời TP.HCM về quê lập nghiệp. Với mảnh đất nhỏ của gia đình, chị chăn nuôi, trồng trọt và thành công bước đầu. Chị tên Huỳnh Thị Ngọc Tâm, sinh năm 1980, ngụ ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Ðam mê với nghề nông nghiệp

Với mảnh vườn 6.500m2, chị Tâm nuôi bò, gà và trồng nấm linh chi, bào ngư, nấm rơm. “Hồi còn ở TP.HCM, tôi may quần áo và bỏ mối tại các chợ nhưng thấy cuộc sống không ổn định. 3 năm nay, vợ chồng tôi về quê để vừa chăm sóc cha mẹ, vừa canh tác mảnh vườn nhằm tăng thêm thu nhập...” - chị Tâm chia sẻ.

Nhờ chịu khó học tập kỹ thuật nên chị Huỳnh Thị Ngọc Tâm thành công bước đầu với nghề trồng nấm

Trước khi nuôi bò, trồng nấm như hiện nay, chị Tâm khởi nghiệp với nghề nuôi dê. Lúc đó, chị nuôi hơn 20 con dê. Đang chăn nuôi thuận lợi, vợ chồng chị phải bán sạch đàn dê vì không có điều kiện chăm sóc.

Chị Tâm kể: “Ngay đêm dê sinh sản thì con trai tôi bị tai nạn phải nhập viện cả tuần. Ở nhà không người chăm sóc nên đành phải bán, dù rất tiếc”.

“Cầm số tiền bán dê, vợ chồng mua 2 con bò giống về nuôi. Sau thời gian sinh sản, bán bò đực rồi mua lại bò cái, hiện tại, đàn bò nhà tôi hơn 20 con” - chị Tâm nói tiếp.

Số lượng bò nhiều như thế cũng đủ làm chị quần quật cả ngày với những việc cắt cỏ, dọn chuồng, cho bò ăn,... nhưng dường như, người phụ nữ tuổi 37 này không muốn lãng phí khoảng thời gian ít ỏi còn trống trong ngày nên cách đây 6 tháng, chị đầu tư trồng nấm. Trồng nấm không phải chuyện dễ, nhất là với những người chưa từng trải qua, chưa nắm rõ về kỹ thuật nhưng đó là niềm đam mê mà chị Tâm ấp ủ nên cố gắng học hỏi để chạm đến thành công.

Đầu tiên, chị trồng nấm bào ngư xám và nấm linh chi, trong đó bào ngư xám là loại nấm “khó tính” nhất - vì đòi hỏi kỹ thuật và phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm của môi trường.

Ngoài việc học kỹ thuật trồng nấm trên mạng, chị Tâm còn học thêm từ bạn bè - những người có kinh nghiệm nhiều năm với nghề trồng nấm. Ngoài ra, chị còn đến Khu Công nghệ cao ở huyện Củ Chi, TP.HCM tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật trước khi bắt tay vào trồng nấm. Khi có kiến thức, chị bắt đầu thực hiện giấc mơ làm giàu.

Thành công từ nghiên cứu, sáng tạo lẫn thất bại

Đầu tiên, chị đến Khu Công nghệ cao mua 100 phôi nấm bào ngư xám về trồng thử nghiệm. Lần đầu tiên thu hoạch không như ý vì nấm không được tốt, giá bán không cao. Thất bại là bài học kinh nghiệm để chị thay đổi cách chăm sóc phù hợp.

Hiện tại, chị trồng 2.000 phôi nấm bào ngư xám và 5.000 phôi nấm linh chi. Nấm linh chi trồng khoảng 2 tháng sẽ cho thu hoạch. Mỗi lần, chị thu hoạch được 30kg nấm linh chi, bán với giá 350.000 đồng/kg. Còn nấm bào ngư xám thì hiện tại, chị thu hoạch mỗi ngày, bỏ mối cho chợ đầu mối nông sản ở TP.HCM, lời hơn 200.000 đồng.

Mặc dù khá rành kỹ thuật nhưng chị Tâm không chủ quan trong khâu chăm sóc nấm. Với nấm bào ngư xám, chị làm giàn và xây một căn chòi lá để trồng. Theo chị Tâm, vì nấm bào ngư xám thích nghi nhiệt độ dưới 25 và độ ẩm trên 70 nên chị lắp đồng hồ đo nhiệt trong nhà trồng nấm để tiện theo dõi. Những ngày nắng nóng, chị xả nước vào nền đất để hạ nhiệt độ.

Ngoài ra, chị còn khử trùng nền nhà trồng nấm bằng vôi để bảo đảm vệ sinh, hạn chế các dịch bệnh. Với nấm linh chi, chị cũng đặt trên giàn trong nhà nhưng không phải theo dõi nhiệt độ như nấm bào ngư xám, chỉ cần tưới nước đúng kỹ thuật là được.

Ngoài trồng nấm, chị Tâm còn chăn nuôi bò

Một phôi nấm linh chi, bào ngư xám dùng được trong vòng 4 tháng phải loại bỏ, thay phôi mới. Khi bỏ phôi nấm, chị Tâm thấy tiếc nên cách đây 1 tháng, chị dùng mạc cưa trong phôi nấm trộn với gòn, tiếp tục trồng thêm nấm rơm trên diện tích 2.000m2. Nấm rơm đợt đầu phát triển tốt và thu hoạch hơn 200kg, bán với giá 45.000 đồng/kg, nhưng những cơn mưa trái mùa làm ngập úng nên một số nấm đến ngày thu hoạch phải bỏ đi.

Từ thất bại này, chị có ý định đưa nấm rơm vào trồng trong nhà như nấm bào ngư xám để chủ động thời tiết. Tuy nhiên, đây chỉ là dự định của chị.

Với tính cần cù, chịu khó, chị Tâm là một trong những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở huyện Đức Hòa. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Khánh Đông - Nguyễn Thị Thương cho rằng: “Chị Tâm là một trong những hội viên tiêu biểu. Không chỉ là gương sáng làm kinh tế giỏi, chị còn tích cực tham gia, đóng góp cho phong trào hội”.

Cứ nghĩ, những việc trồng trọt, chăn nuôi là của đàn ông nhưng khi phụ nữ tham gia thì vẫn thành công. Chỉ cần siêng năng, chịu học hỏi và đam mê như chị Tâm, phụ nữ vẫn có thể làm giàu từ mảnh vườn, đồng ruộng để ổn định kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển KT-XH ở địa phương./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết