(Ảnh minh họa: TTXVN)
Sau năm 2015, hội nhập quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, dịch chuyển lao động… nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ trong việc chịu ảnh hưởng của việc biến động kinh tế. Thách thức này đòi hỏi phải lồng ghép giới vào các chính sách pháp luật và xây dựng hệ thống an sinh xã hội.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội thảo “Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức để lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Tây Ba Nha tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội.
Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt trong việc Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và một loạt các hiệp định thương mại tự do khác.
Tiến trình hội nhập hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn về tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc đảm bảo rằng cả phụ nữ cũng như nam giới được chia sẻ thịnh vượng và thụ hưởng công bằng các thành quả của tăng trưởng.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, hội nhập sâu rộng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với những cú sốc, những biến động từ kinh tế thế giới. Những biến động kinh tế này sẽ nhanh chóng tác động tới việc làm và thu nhập của người lao động.
“Lao động phổ thông, lao động thu nhập thấp và đặc biệt là lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động khắc nghiệt nhất từ những biến động này. Khả năng ứng phó của họ cũng thấp hơn do tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội yếu hơn. Để giúp đỡ hiệu quả nhóm này, không có cách nào khác phải có hệ thống an sinh xã hội tổ chức tốt, bao trùm được những nhóm yếu thế, khu vực phi chính thức,” Thứ trưởng Đào Hồng Lan phân tích.
Việt Nam đã lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (2014) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014). Trong khi Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung chế độ thai sản với nam giới, cải thiện các chính sách cho phụ nữ thì Luật Giáo dục nghề nghiệp tạo cơ hội để các học viên nam và nữ được bình đẳng hơn trong hưởng thụ các chính sách giáo dục.
Theo luật mới, thời gian đào tạo và liên thông trong đào tạo linh hoạt hơn. Các chính sách dạy nghề đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp và đảm bảo tỷ lệ 50% số lượng học viên nữ được tham gia học nghề . Người học là phụ nữ, lao động nông thôn sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, bình đẳng giới mới tính thực chất không nằm riêng rẽ mà tiếp tục được lồng ghép trong các chính sách. Tuy nhiên, quan trọng là cần giám sát tốt để đảm bảo hiệu lực thực thi trong thực tế. Hiệu quả của hệ thống các cơ quan quản lý lao động ở địa phương mới là yếu tố đảm bảo cho việc hiện thực hóa quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp chính sách nhằm mở rộng khu vực kinh tế chính thức của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bao trùm và tạo việc làm bền vững cũng như tăng cường cơ hội tiếp cận việc làm và giảm khoảng cách thu nhập giữa lao động nam và nữ./.
Trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn và cam kết thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đề ra, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, tạo việc làm bền vững và đạt được bình đẳng giới. Để đạt được các mục tiêu này, đồng nghĩa với việc giải quyết thành công các thách thức đặt ra từ hội nhập. |
Hồng Kiều/Vietnam+