Tiếng Việt | English

29/04/2016 - 09:04

Khó kết tội thủy triều đỏ!

Nhiều nhà khoa học hàng đầu về hóa chất, môi trường cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định thủy triều đỏ là một trong hai nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung là không thuyết phục.

Sau khi lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung trong hơn 3 tuần qua, ngày 28-4, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết cảm giác đầu tiên của ông là rất thất vọng. Bởi lẽ, sau thời gian dài nóng ruột chờ nghe ý kiến của một cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhằm tìm ra nguyên nhân vì sao cá chết thì câu trả lời lại như “không kết luận gì cả”!

Do độc chất cực mạnh?

Theo GS Lê Huy Bá, việc chờ đến 3 tuần Bộ TN-MT mới đưa ra kết luận ban đầu là quá chậm trễ. “Hành động này không thấu tình đạt lý. Trong lúc các cơ quan truyền thông, người dân đang mong chờ kết luận một cách chính xác, trung thực từng ngày thì Bộ TN-MT lại tỏ ra chậm chạp” - ông nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, việc đưa ra kết luận nhanh chóng đối với các nhà khoa học chân chính là điều không quá khó. Để đưa mọi chuyện ra ánh sáng, mọi khâu đều phải trung thực, từ người làm khoa học đến nhà quản lý.

Ông Bá nhận định nguyên nhân gây cá chết hàng loạt này là do độc chất cực mạnh. “Qua kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm và suy xét nhiều vụ ngộ độc của thế giới cũng như Việt Nam, tôi suy đoán cá chết do độc chất, nghiêng về phía độc tố kim loại. Kết luận về thủy triều đỏ thì tôi không tin!” - ông bày tỏ.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình tích cực chôn lấp cá chết để bảo đảm vệ sinh môi trường Ảnh: HOÀNG PHÚC

Về việc Bộ TN-MT cho rằng có thể “do các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người”, theo GS Lê Huy Bá, về góc độ khoa học, nếu đổ lỗi cho các hoạt động sinh hoạt của dân chúng, cho sản xuất thủ công hay các nhà máy nhỏ gây nhiễm độc cấp tính cao như thế là hoàn toàn vô lý. “Chỉ với lượng xả cực lớn, nồng độ cực cao thì mới gây ra mức độ độc hại như thế. Mặt khác, cá chết chủ yếu ở tầng sâu nên những suy luận của tôi là có căn cứ” - ông lý giải.

Về kết luận của cơ quan chức năng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy nồng độ crôm từ nước biển ở vùng cá chết cao gấp nhiều lần mức cho phép, GS Lê Huy Bá nhận định crôm có trong thành phần những chất súc rửa, bảo quản, chống ăn mòn… Bản thân crôm nguyên chất không độc mà độc hại xuất hiện ở crôm tự hoại thứ 6, tức là chuyển từ crôm hóa trị 3 sang hóa trị 6 - chất có độc tính vô cùng cao, chỉ cần một lượng rất nhỏ đã đủ tiêu diệt một lượng lớn bất cứ loài vật nào xung quanh và những hiện tượng này đã xảy ra trên thế giới.

Cũng theo ông Bá, thủy triều đỏ có thể khiến cá chết nhưng phải có 2 điều kiện gây ra. Hai điều kiện này lại đều không thể tồn tại ở vùng biển Hà Tĩnh nói riêng và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nói chung. Một là, muốn hình thành thủy triều đỏ thì phải có nguồn cung cấp dinh dưỡng thật lớn, nhiều, chủ yếu là chất hữu cơ giàu ni-tơ và phốt-pho chủ yếu ở cửa sông. Hai là, biển phải ít sóng gió, không có dòng hải lưu, trong khi vùng biển ở các tỉnh này có dòng hải lưu Bắc - Nam chảy qua.

Mặt khác, nếu là hiện tượng thủy triều đỏ thì màu nước biển sẽ thay đổi. Màu chủ đạo ban đầu là đỏ, sau đó chuyển sang nâu, có khi xanh đen và chìm dần xuống. Lớp tảo rất dày, có khi lên tới 1 dm, có thể dùng tay vớt được. Trong khi đó, nước biển ở Hà Tĩnh không hề có những dấu hiệu này mà vẫn trong xanh. Hiện tượng thủy triều đỏ dù có độc, có gây chết cá nhưng ở tầng trên, có thể xuất hiện ở Việt Nam từ cuối tháng 7 đến tháng 11 và đã xảy ra vài lần ở vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận.

“Nếu kết luận cá chết ở Bắc Trung Bộ vừa qua là do thủy triều đỏ thì thật mơ hồ và có thể làm bôi bác uy tín của người Việt Nam” - ông Lê Huy Bá quả quyết.

Nghi vấn chất thải công nghiệp

Cũng như vậy, TS Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học - nói: “Tôi rất bất ngờ khi Bộ TN-MT cho rằng một trong 2 nguyên nhân cá chết hàng loạt là do thủy triều đỏ”.

Theo TS An, thủy triều đỏ dù là nguyên nhân gây chết cá tôm, sinh vật nhưng đó là hậu quả của một quá trình. Khi nước thừa dinh dưỡng thì các loài tảo phát triển mạnh, bùng nổ, nở hoa, làm thay đổi màu sắc, môi trường nước thành màu đỏ, vàng, xanh… Tuy vậy, bất kỳ loài tảo gì thì người dân cũng dễ dàng phát hiện được ngay với những khác biệt về màu sắc, mùi và hiện tượng đi kèm, sau đó mới xảy ra cá chết hàng loạt chứ không đợi 10-20 ngày sau khi cá chết mới phát hiện.

Ông An cho biết ở Việt Nam, hiện tượng này không mới nhưng được ghi nhận xảy ra với quy mô nhỏ, cục bộ, trong thời gian không dài và hầu như không gây ra hậu quả kinh tế lớn.

“Nếu tạm chấp nhận do hiện tượng thủy triều đỏ, vấn đề đặt ra là ở một vùng dân cư không đông đúc, không phải đô thị hóa thì ở đâu thải ra những chất có khả năng làm dinh dưỡng hóa nguồn nước? Ai thải? Thải cái gì? Có thể cho rằng từ ngoài khơi, dòng chảy đưa đến nhưng hiện tượng này không giấu giếm được. Từ tàu bè trên biển? Vậy hệ thống quan trắc, ảnh viễn thám đâu?” - ông An đặt vấn đề.

“Hà Tĩnh là địa phương nghèo, dân không đông, với kinh tế nông nghiệp thì làm sao tạo ra chất thải độc hại được. Chất thải đó chỉ tập trung vào hệ thống công nghiệp. Chúng ta nhìn nhận có nguồn ô nhiễm tự nhiên nào đó thì quả không hợp lý. Hiện tượng thủy triều đỏ chỉ diễn ra nhất thời, còn chất thải công nghiệp thì xả thải quanh năm và nguy hiểm nhất” - ông An phân tích./.

Không cho phép lắp đặt ống xả thải ngầm

Ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng. Sau đó, bộ trưởng đã cùng đoàn đi thực địa ở khu vực xả thải ngầm, lấy mẫu nước biển, mẫu trầm tích, kiểm tra trạm quan trắc tự động ở khu bể xử lý nước thải tại công ty này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định pháp luật Việt Nam không cho phép lắp đặt hệ thống ống xả thải ngầm. Để cơ quan chức năng và người dân có thể giám sát, bộ trưởng yêu cầu Formosa thiết kế hệ thống xả thải để bất kỳ cơ quan nào cũng có thể lấy mẫu dễ dàng, không phải lấy ở đường ống nằm sâu dưới biển như hiện nay.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu khoa học dù rất nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai trước các thảm họa như thế còn lúng túng, chưa khoa học, chậm, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân và công luận. Bộ trưởng xin nhận khuyết điểm về các vấn đề trên.

Sau khi thị sát dự án Formosa, đoàn công tác của Bộ TN-MT đã kiểm tra tại hệ thống xử lý nước thải, quan trắc môi trường và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.Đ.Ngọc

 

Đồng tình với nhận định cá chết do độc tố

Chiều 28-4, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ: TN-MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính bày tỏ đồng tình với nguyên nhân mà Bộ TN-MT đưa ra là cá chết do chất độc. Tuy nhiên, hội cho rằng nên loại trừ nguyên nhân do thủy triều đỏ bởi những đặc trưng của hiện tượng này không được ghi nhận trong thực tế.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, đến nay, không có bằng chứng nào (như động đất, sóng thần, núi lửa hoạt động) để dẫn đến việc nhận định đáy biển sinh ra chất độc làm chết cá ở tầng đáy. Do vậy, giả thiết chất độc do con người gây ra là tương đối có cơ sở.

Hội Nghề cá Việt Nam mong sớm được trả lời về các vấn đề: Tại vùng biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - nơi phát hiện cá chết đầu tiên - có bao nhiêu đường ống xả thải ra biển (gồm ống xả công khai và ống xả do các nhà máy tự làm để xả nước thải chưa qua xử lý); kết quả kiểm kê 300 tấn hóa chất nhập về được Formosa sử dụng bao nhiêu, dùng vào việc gì, sau khi dùng có qua đường ống xả thải ra biển hay không?...

“Nếu kết quả phân tích cho thấy cá chết không phải do độc tố, các nhà máy không thải ra chất độc hoặc có thải ra chất độc nhưng không làm chết cá thì mới truy tìm nguyên nhân theo hướng khác” - Hội Nghề cá Việt Nam đề xuất. V.Duẩn

Lê Thoa - Kỳ Nam/nld.cm.vn

Chia sẻ bài viết