Tiếng Việt | English

24/04/2016 - 05:39

Cá chết hàng loạt do độc tố: Phải sớm tìm ra thủ phạm đầu độc biển!

Không phải chỉ có cá nuôi chết. Cá tự nhiên trong môi trường thiên nhiên rộng lớn của biển cả cũng chết hàng loạt. Chưa bao giờ cá chết nhiều như thế.

Suốt hơn nửa tháng qua, có một sự việc rất đáng sợ và cũng rất bất thường diễn ra, khiến cả nước bàng hoàng. Đó là hiện tượng cá chết hàng loạt. Bắt đầu là cá hồng, cá bớp nuôi trong lồng bè của các hộ dân ở xã Kỳ Lợi, rồi sau đó lan rộng ra các hộ dân ở xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Khi thuỷ triều dâng, người ta đưa nước biển vào các khu vực lồng bè. Lập tức nước chuyển màu trắng đục và cá chết.

Rồi không phải chỉ có cá nuôi chết, cá tự nhiên trong môi trường thiên nhiên rộng lớn của biển cả cũng chết hàng loạt. Chưa bao giờ cá chết nhiều như thế. Xác cá rải trắng cả một rẻo biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rồi Thừa Thiên Huế. Nghĩa là dằng dặc suốt một dải Miền Trung. Riêng ở tỉnh Quảng Trị số cá chết thu gom được đã là 30 tấn. Vậy còn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, rồi cả số cá chết không dạt được vào bờ mà trôi miên man trên biển là bao nhiêu đây?

Các cơ quan chức năng khuyên người dân không ăn cá chết, cũng không dùng chế biến thức ăn gia súc, mà phải chôn xuống đất. Nhưng sức nào mà chôn xuể. Rồi lấy đất đâu để chôn? Nhiều bãi biển, cá tự chết, tự phân huỷ. Giòi bọ lúc nhúc. Trông những bức ảnh, những thước phim người dân chụp, quay rồi đưa lên mạng mà bạt vía kinh hồn.

Nhân tai mới đáng sợ nhất. Vì sức tàn phá của nó rất khủng khiếp. Lại không theo mùa. Không phụ thuộc mùa vụ, mà diễn ra quanh năm, theo các nhiệm kỳ. Ngay vụ cá chết hàng loạt này, chỉ tính riêng sự thiệt hại không thể đo đếm được và cũng không thể kiểm soát được. Không phải chỉ những bà con nuôi cá lồng bè, bao nhiêu vốn liếng, tài sản coi như “đi tong”, mà các ngư dân cũng khốn đốn. Đánh bắt được cá đã khó. Nhưng có được cá rồi thì biết bán cho ai? Mà ai dám mua. Làm sao phân biệt được đâu là cá đánh ở ngoài khơi xa và đâu là cá chết do ngộ độc dạt vào bãi biển? Và rồi đến cả những miếng cá ta ăn liệu có chắc được sự an toàn không?

Và rồi cả ngành Du lịch dọc các tỉnh Miền Trung cũng đang đứng trước nguy cơ bị vạ lây. Cá còn chết thì ai dám xuống tắm? Sự thiệt hại này biết tính thế nào đây?


Cá chết trôi dạt vào bờ đá.

Cá chết không phải do bệnh, cũng không do dịch, mà do môi trường bị ô nhiễm bởi độc tố. Điều ấy thì ta có thể thấy ngay rồi. Nhưng độc hại ở đâu? Do đâu thì lại bị tắc.

Phải khẩn trương tìm ra nguyên nhân!

Cơ quan chức năng nào cũng nói như thế. Ông cán bộ ở các cơ quan chức năng nào cũng khẳng định như vậy. Nhưng rồi loay hoay suốt nửa tháng trời vẫn chẳng có kết luận gì. Sự thật nan giải đến thế ư? Khó đến mức không tìm ra được ư?

Một bà bán rau bảo tôi:

- Em là con mẹ nhà quê chân đất mắt toét, chẳng được học hành gì. Nhưng em thấy vụ việc rất đơn giản. Có khó gì đâu. Cá chết thì cứ lật con cá lên mà xem, rồi đưa máy vào mà soi, xem trong con cá có những chất gì? Chất gì đã giết chết nó. Rồi kiểm tra trong nước thải chưa qua xử lý của cái nhà máy công nghiệp nào ấy. Nếu trong đó có cái chất ấy thì chính là nó chứ còn gì nữa!

Không riêng bà bán rau, ai cũng bày tỏ nghi vấn nguyên nhân cá chết hàng loạt là do môi trường ô nhiễm mà căn nguyên là nước thải chưa qua xử lý của mấy khu Công nghiệp. Điều này đã từng xảy ra không phải một lần mà rất nhiều lần. Không ít con sông đã từng bị bức tử vì vấn nạn này. Bây giờ thì đến cả biển cả cũng bị ô nhiễm. Đây là điều bất ngờ nhất. Bởi biển lớn đến thế, mênh mông đến thế. Cả một vùng trời nước ngút ngát, nước thải của một khu công nghiệp nếu có xả ra thì cũng có thấm tháp gì. Có lẽ người ta nghĩ như thế nên mới xả nước độc ra biển. Và phải là lượng nước độc lớn, rất lớn thì cá mới chết nhiều đến như thế.

Và rồi ngay lập tức, dư luận đã có vẻ nghi ngờ vùng biển Vũng Áng bị nhiễm độc vì nước thải khu công nghiệp Formosa. Một phóng viên báo chí đã tìm gặp ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường công ty này. Ông Kiệt khẳng định: “Không có việc Formosa Hà Tĩnh chính là tác nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở bờ biển Việt Nam”.

Cũng theo lời ông Kiệt, Formosa là tập đoàn kinh tế lớn, từng đầu tư ở rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tập đoàn của ông luôn coi trọng độ an toàn của môi trường và luôn tuân thủ pháp luật của các nước sở tại. Chính ông cũng không hiểu nguyên nhân vì sao lại phát sinh hiện tượng cá chết hàng loạt trên vùng biển Việt Nam như thế. Tất cả các địa điểm xả thải và ống xả thải ở Khu Công nghiệp này đều được lấy mẫu nước để xét nghiệm và hiện tại đang rất bình thường và đạt tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

Ông nói: “Ống xả thải của chúng tôi rất tốt và đều có hệ thống quan sát tự động hằng ngày. Nước chảy chừng nào thì hệ thống sẽ lấy dữ liệu, gửi thông tin về máy chủ. Nếu đạt tiêu chuẩn mới cho xả ra môi trường. Ở kênh thoát nước mưa của chúng tôi, có hiện tượng cá biển trôi dạt vào, cá biển thì chết nhưng cá trong mương thoát nước của chúng tôi vẫn sống”.

Một môi trường an toàn đến thế, tinh sạch đến thế thì sao cá lại chết nhiều đến như vậy? Nếu không phải lỗi của khu Công nghiệp Vũng Áng thì do đâu?

Mới đây, ngày 4/4, một ngư dân Hà Tĩnh, anh Nguyễn Xuân Thành, 36 tuổi ở Ba Đồng, Kỳ Phương, Kỳ Anh Hà Tĩnh, trong khi lặn xuống biển săn bắt cá, tình cờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ. Ống được chôn chìm dưới đáy biển, phủ phía trên là những bao cát và đá hộc. Đường ống xả thải dài 1,5 km, đường kính rộng 1,1m. Một đầu đường ống nối với khu công nghiệp Formosa, đầu kia còn lại tách ra làm ba nhánh, mỗi nhánh dài 2m, đường kính 40cm. Vào thời điểm phát hiện thấy đường ống xả thải này, anh Thành thấy nước phun rất mạnh. Nước nhừa nhựa màu vàng đục, mùi hôi thối. Ngửi thấy tức ngực, ngạt thở.

Có lẽ chính đây là “cái tổ của con chuồn chuồn” chăng? Theo chủ đầu tư, mỗi ngày đêm, Formosa xả 12.000 m3 nước thải ra biển, và trước khi xả thải đã được xử lý qua quy trình tự động khép kín, đạt tiêu chuẩn của Bộ TN-MT. Tuy nhiên, việc lấy mẫu nước thải của Formosa để kiểm tra được tiến hành định kỳ một quý một lần. Tất cả các lần lấy mẫu kiểm định từ năm 2015 đến nay đều đạt tiêu chuẩn cả. Đạt chuẩn nhưng chỉ đạt chuẩn khi kiểm tra và mỗi quý chỉ đạt chuẩn một lần, còn các lần khác thì kiểm soát thế nào đây? Tôi đồng ý với bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh khi bà đặt vấn đề rằng, về nguyên tắc nếu nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quy định thì được phép thải ra môi trường. Nhưng tại sao họ lại phải đặt ngầm đường ống dẫn nước thải ở dưới đáy biển như vậy? Bộ TN-MT làm thế nào để quản lý nguồn nước mà Formosa thải ra là đúng tiêu chuẩn?

Theo đúng nguyên tắc thì nước thải đã qua xử lý, được xả ra môi trường phải được đặt “nổi” để các cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi, giám sát chứ không thể đặt “chìm” một cách khuất tất như vậy. Bởi thông thường các doanh nghiệp chỉ muốn xả thải trực tiếp ra môi trường vì việc xử lý chất thải nước thải rất tốn kém. Nên khi có một đường ống xả thải ngầm, “bí mật” như vậy sẽ không khỏi khiến người ta nghi ngờ về việc xử lý nước thải của họ.

Trước đây, công ty Vedan đã từng xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông và chúng ta đã phải trả những cái giá đắt đến như thế nào? Người ta đã bức tử bao nhiêu dòng sông. Bây giờ lại muốn “giết” thêm cả biển nữa.

Đấy là điều không phải đáng lo ngại lắm sao?./.

Trần Đăng Khoa/VOV.VN

Chia sẻ bài viết