Tiếng Việt | English

17/01/2016 - 15:09

Khoảng 6 triệu người tử vong vào năm 2050 do ô nhiễm

Số người chết hàng năm do ô nhiễm trên thế giới hiện nay lớn hơn số người chết do sốt rét và HIV cộng lại. Theo một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học cảnh báo rằng số người tử vong do ô nhiễm có thể lên tới 6 triệu người vào năm 2050, The Guardian cho biết.

Ô nhiễm không khí đang “đầu độc” nhiều thành phố trên thế giới

Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, từ Kabul ở Afghanistan đến Hồng Kông và Thạch Gia Trang ở Trung Quốc, từ Lima đến Sao Paulo ở Mỹ Latin, người dân ngày càng trở nên khốn khổ khi sống trong khói bụi độc hại. Các bệnh viện và phòng khám sức khỏe tràn ngập người bệnh có vấn đề về hô hấp và tim.


Màn sương ô nhiễm tại Thượng Hải (Ảnh: Corbis)

Không khí ô nhiễm đã bao phủ nhiều đô thị châu Á trong những ngày mùa đông. Ở Delhi, nơi có gần 9 triệu xe, tòa án tối cao đã so sánh điều kiện này giống như "sống trong một buồng hơi ngạt"; Bắc Kinh và 10 thành phố khác của Trung Quốc đã ban hành cảnh báo đỏ; ở Tehran, ô nhiễm không khí giết chết hơn người mỗi ngày.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng khí độc ngày càng tăng trong không khí do khí thải động cơ diesel kết hợp với khí thải ammonia từ nuôi trồng, đốt lốp xe, bãi rác, bụi từ các khu vực xây dựng và các lò gạch. Điều này đang gây nên một cuộc khủng hoảng toàn cầu đe dọa nền kinh tế của nhiều quốc gia khi phải chống chọi lại với bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư phổi và các bệnh khác.

Bà Maria Neira, Giám đốc Y tế công cộng WHO cho biết: "Đây là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với ô nhiễm nồng độ cao. Trong thế kỷ 19 tình trạng ô nhiễm xảy ra tập trung ở một vài nơi nhưng hiện nay gần 70% người dân tại các thành phố trên thế giới tiếp xúc với ô nhiễm cao hơn mức bình thường".

Vấn đề là hầu hết các nước ở châu Á và nhiều quốc gia công nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi khói bụi. Milan, Napoli, Barcelona và một số thành phố khác ở Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cấm giao thông trong nhiều ngày trong dịp Giáng sinh; Khu du lịch núi phổ biến nhất của Ba Lan, Zakopane, đã ngập trong sương mù; và một số đường phố ở London – khí nitrogen dioxide đã vượt giới hạn.

Theo thống kê của WHO, 2.000 thành phố trên thế giới bị ô nhiễm ngày càng tồi tệ. Riêng trong năm 2014, 15 trong số 20 khu vực ô nhiễm nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Những khu vực khác ở Pakistan, Iran và Bangladesh.


Ô nhiễm không khí tại Tehran (Ảnh: Corbis)

Frank Kelly, Giám đốc nghiên cứu sức khỏe môi trường tại Đại học Hoàng gia London cho biết: "Chúng tôi nghi ngờ rằng nhiều thành phố tại châu Phi cũng có vấn đề ô nhiễm khủng khiếp, nhưng có rất ít dữ liệu. Tại châu Âu, ô nhiễm tương đối rõ ở Đức, Pháp và Anh. Ở Đông Âu - nơi vẫn có ngành công nghiệp cũ tình trạng này cũng tương tự".

Gánh nặng chi phí chữa bệnh

Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature, do Johannes Lelieveld, Giám đốc của Viện Max Planck về hóa học ở Đức, số người dân chết vì ô nhiễm không khí cao hơn so với số người chết vì bệnh sốt rét và HIV kết hợp. Mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người chết do ô nhiễm tại Trung Quốc, 650.000 tại Ấn Độ và khoảng 180.000 tại Châu Âu; khoảng 482.000 người chết sớm trong năm 2012 do các bệnh tim mạch và hô hấp, đột quỵ, ung thư phổi…


Người dân hít thở không khí trong lành từ một máy lọc không khí khổng lồ ở Lima. (Ảnh: Corbis)

WHO cho biết, chi phí dành cho bệnh tật và chết sớm do ô nhiễm không khí ở châu Âu khoảng hơn 1,6 ngàn tỷ USD trong năm 2010, tương đương gần 10% tổng sản phẩm nội địa của EU trong năm 2013. Anh đã được ước tính phải chi 83 tỷ USD cho các chi phí liên quan đến ô nhiễm không khí.

Những nơi khác ở châu Âu, con số này là 145 tỷ USD tại Đức và Pháp là 53 tỷ USD. Cao nhất là ở Bulgaria khi nước này dành khoảng 29,5% GDP cho các chi phí liên quan đến sức khỏe, tử vong bởi ô nhiễm không khí.

Khi mối quan tâm về tình trạng ô nhiễm gia tăng, các thành phố đã bắt đầu hành động. Delhi mới đây ban hành lệnh cấm xe theo biển số với xe biển chẵn được phép lưu thông vào ngày chẵn và ngược lại, đồng thời cấm đăng ký xe động cơ diesel mới nhằm giảm 50% ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, Trung Quốc đã học tập các nước phương Tây di chuyển các nhà máy điện ra khỏi thành phố; đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và tăng mức phạt đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng không khí tại một số khu vực. Tuy nhiên, các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải tình trạng ô nhiễm vẫn còn cao./.

Nguồn: VOH (Theo The Guardian)

Chia sẻ bài viết