Chị Lưu Thị Kim Châu (bìa trái) (khu phố khu 1B, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) khởi nghiệp bằng sản xuất lạp xưởng tươi với thương hiệu Lạp xưởng Cô Châu
Giúp phụ nữ tự tin khởi nghiệp
Thời gian qua, Hội LHPNVN tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội ký kết hợp đồng ủy thác đầu tư với tổng số tiền trên 5,1 tỉ đồng nhằm hỗ trợ PN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tư khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Năm 2020, các cấp Hội giúp 406 PN khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với nhiều hình thức. Trong đó, hỗ trợ 243 PN tiếp cận nguồn vốn để kinh doanh, sản xuất như mở tiệm tạp hóa, quán ăn, mua máy xe nhang, bán hàng online, phụ tùng máy nổ, chăn nuôi bò sinh sản, trồng nấm, ươm cá bột, bán bánh mì, mua máy may,... với tổng số vốn trên 12 tỉ đồng. Các cấp Hội còn hỗ trợ 12 ý tưởng khởi nghiệp, giới thiệu cơ sở ống hút cỏ bàng Miền Tây Xanh tham dự hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.
Một trong những hoạt động quan trọng, xuyên suốt của đề án là tổ chức Ngày PN khởi nghiệp nhằm tìm kiếm và hỗ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng. Năm 2020, Hội LHPNVN tỉnh tổ chức cuộc thi PN sáng tạo - khởi nghiệp với 19 dự án tham gia; trong đó, có 7 dự án vào vòng chung kết và được trao 1 giải nhất, 2 giải nhì và 4 giải ba. Đây là cuộc thi mang ý nghĩa thiết thực, tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong PN và cộng đồng, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Hội LHPN các cấp trong tỉnh hỗ trợ 11 ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi PN khởi nghiệp - Kết nối thành công do Trung ương Hội LHPNVN tổ chức (có 4 ý tưởng được chọn để tập huấn, hướng dẫn tiếp tục tham gia vòng thi tiếp theo). Theo đó, có 3 dự án vào vòng chung kết Cụm, 1 dự án của Hợp tác xã (HTX) Thanh long An Nhựt Tân (huyện Tân Trụ) vào vòng chung kết và đoạt giải liên kết sáng tạo gia tăng giá trị cho cộng đồng, được nhận gói hỗ trợ đầu tư trị giá gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội LHPNVN tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, tiếp thị trực tuyến, xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho 600 nữ chủ doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ kinh doanh, tổ hợp tác; đồng thời, phối hợp Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức tập huấn về kỹ năng tiếp thị trực tuyến cho doanh nhân nữ với 45 đại biểu tham dự.
Trao “cần câu” hơn cho “con cá”
Hội LHPN xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa) chủ động hỗ trợ PN khởi nghiệp với phương châm “Trao cần câu hơn cho con cá”. Nhiều PN thay đổi nhận thức, tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, chủ động liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành - Lê Thị Ngọc Diễm chia sẻ: “Hội xác định hỗ trợ PN phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện Đề án Hỗ trợ PN khởi nghiệp, Hội hướng dẫn và hỗ trợ 20 chị em vay vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh (mỗi người 50 triệu đồng), với tổng số tiền khoảng 1 tỉ đồng”.
Tổ liên kết may gia công quần áo trẻ em của chị Lê Thị Bình (ngụ ấp 4) là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu tại địa phương. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng, chị mở rộng tổ may gia công và giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hiện tổ may của chị giải quyết việc làm cho 12 lao động nhàn rỗi tại địa phương với nguồn thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình khởi nghiệp của chị Lê Thị Bình giúp nhiều chị em có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống
Chị Lê Thị Bình bày tỏ: “Công việc này gắn bó với tôi trên 5 năm. Hiện có 4 chị may xuyên suốt tại đây, các chị khác thì nhận hàng về may tại nhà để tiện chăm lo gia đình. Nếu ai không có máy may thì tôi cho mượn. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ mô hình này. Dù thành thạo nghề may nhưng khi có lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, tôi vẫn tham gia. Vì theo tôi, cần cù, chăm chỉ chưa đủ mà phải học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm mới giúp mình thành công hơn”.
Từ đề án này còn xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp thiết thực của PN như ý tưởng mô hình sản xuất ống hút cỏ bàng của chị Trịnh Thị Kim Chi (hội viên Hội LHPNVN huyện Đức Hòa); bánh in nhân lạp xưởng của chị Nguyễn Thị Bạch; sản xuất lạp xưởng tươi với thương hiệu Lạp xưởng Cô Châu của chị Lưu Thị Kim Châu (hội viên Hội LHPNVN huyện Cần Đước); trồng rau thủy canh của chị Trần Thị Tiệp (hội viên Hội LHPNVN huyện TP.Tân An).
Chị Nguyễn Thị Bạch (hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước) khởi nghiệp bằng ý tưởng làm bánh in nhân lạp xưởng
Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho PN khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, Hội LHPNVN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của PN về khởi nghiệp; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động các tầng lớp PN trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp. Đặc biệt, Hội phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ.
Ý tưởng khởi nghiệp dù lớn hay nhỏ đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên của PN. Vì vậy, mỗi PN cần chủ động, tích cực học hỏi, mạnh dạn khởi nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống, trở thành tấm gương PN “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời đại mới./.
Qua 3 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ PN khởi nghiệp (2017-2020), Hội LHPN các cấp hỗ trợ 945 PN khởi sự kinh doanh; hỗ trợ hiện thực hóa 47 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập mới 119 tổ hợp tác; 24 HTX (Hội chủ động thành lập 4 hợp tác xã, phối hợp thành lập 20 hợp tác xã); phối hợp hỗ trợ thành lập 5 doanh nghiệp nhỏ do nữ làm chủ. |
Ngọc Mận