Tiếng Việt | English

07/03/2020 - 11:10

Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Ngày nay, nhiều phụ nữ (PN) năng động, bản lĩnh và tự tin khởi nghiệp. Bước đầu khởi nghiệp có nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cùng sự trợ lực của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) trong tỉnh Long An, nhiều PN đạt thành công bước đầu.

Mạnh dạn khởi nghiệp

Khi chúng tôi đến, chị Lưu Thị Kim Châu - chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng tươi tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, đang loay hoay bán hàng cho khách. Đây là điểm bán lạp xưởng an toàn thực phẩm (ATTP), được nhiều người ưa chuộng. Gia đình chị Châu làm lạp xưởng tươi hơn 40 năm. Khoảng 10 năm trước, chị ra riêng và xây dựng thương hiệu lạp xưởng tươi Cô Châu. Cơ sở sản xuất của chị luôn đặt tiêu chí ATTP lên hàng đầu, từ khâu chọn thịt đến sản xuất, thành phẩm, đóng gói. Hiện tại, chị ứng dụng máy móc, thiết bị trong từng khâu chế biến sản phẩm. Ngoài lạp xưởng heo là chủ lực, cơ sở còn sản xuất lạp xưởng tôm, dồi sả, các loại khô, cá,…

Trên hành trình khởi nghiệp, chị Lưu Thị Kim Châu được sự tiếp sức của các ngành chức năng

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Châu được nhiều người khuyên “làm vừa vừa thôi”. Nhưng với quyết tâm cùng sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chị xây dựng được thương hiệu, công bố chất lượng,… Gần đây nhất, Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu được tỉnh chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Theo đó, chị được hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, các ngành chức năng cùng Hội LHPNVN huyện Cần Đước cũng hướng dẫn chị các thủ tục hành chính cũng như giới thiệu, trưng bày, quảng bá sản phẩm,…

Chị chia sẻ: “Hiện nay, tôi đang tích cực chuẩn bị để hoàn thiện thủ tục, đưa sản phẩm vào một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, tôi dự tính mở rộng cơ sở, mua thêm thiết bị phục vụ công việc kinh doanh như tiến tới làm lạp xưởng khô. Với loại lạp xưởng này, khách hàng có thể sử dụng ngay mà không cần chế biến. Làm kinh doanh, ngoài lợi nhuận, tôi còn có niềm đam mê, mong muốn giữ gìn sản phẩm đặc trưng của quê hương Cần Đước, đồng thời đưa thương hiệu lạp xưởng đến với đông đảo khách hàng trong nước”.

“Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng tăng lên. Khách hàng bây giờ hướng đến ăn ngon, chú trọng vấn đề ATTP. Hơn nữa, với công nghệ hiện đại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ra đời, từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và có nhiều đổi mới về chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên mình không đổi mới, không tìm hiểu nhu cầu thị trường thì sẽ bị tụt hậu, sản phẩm chắc chắn không thể cạnh tranh” - chị nói.

Vượt khó khởi nghiệp

“Đừng nản lòng, có áp lực rồi mới thành công. Tôi nghĩ rằng, làm bất cứ việc gì cũng cần đam mê và tận tâm với nghề. Mình siêng năng, gắn bó với nghề thì nghề cũng sẽ “đền đáp”” - chị Nguyễn Thị Xiệt, ngụ xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, nói khi bắt đầu khởi nghiệp ở độ tuổi 40. 

Chị Nguyễn Thị Xiệt không ngại khó để khởi nghiệp

Lập gia đình ở độ tuổi ngoài 30, hơn 10 năm bên nhau, vợ chồng chị cùng chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Hàng ngày, chị ở nhà nấu rượu, bỏ mối cho các hàng quán, phụ chồng chăn nuôi heo, bò. Cách đây khoảng 4 năm, vợ chồng chị bàn cách khởi nghiệp để cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Hai vợ chồng ngược xuôi tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với vùng đất mình sinh sống. Chị chọn trồng bưởi da xanh xen ổi nữ hoàng để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.

Nhìn vườn bưởi rộng 9.000m2 đang sai trái như hiện tại, ít ai biết được đó là cả quá trình khó nhọc, vất vả của anh chị để có kết quả như ngày nay. Chị tích lũy vốn, cùng chồng đến tận tỉnh Bến Tre, tìm những mối có thể tin tưởng để mua cây giống. Sau đó, hai vợ chồng cải tạo đất trồng lúa, lên liếp trồng bưởi. “Năm đầu tiên, tôi bỏ ra khoảng 150 triệu đồng và không có được đồng lãi nào. Trong quá trình trồng bưởi, tôi ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình GAP,... Bên cạnh đó, tôi còn trồng xen ổi nữ hoàng để có thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng, tôi bán khoảng 1 tấn bưởi, riêng đợt tết, bán 4-5 tấn. Hiện nay, tôi thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm” - chị bộc bạch.

Chị thông tin, có được thành công như ngày nay, bên cạnh sự vượt khó của gia đình còn có sự động viên, hỗ trợ của chính quyền. Đặc biệt, các cấp Hội LHPNVN tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá nông sản của chị. Nhờ đó, chị có thêm khách hàng tiêu thụ nông sản ổn định.

Các gian hàng của phụ nữ tham gia Ngày hội Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp

Đồng hành bằng nhiều hoạt động

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết, PN trong tỉnh hiện nay chiếm hơn 50% dân số. Lực lượng lao động nữ ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong tỉnh chiếm tỷ lệ khá nhiều. Tuy nhiên, với đặc tính giới, PN cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời cũng là rào cản khiến PN ít có cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hay được đào tạo, giao lưu, học hỏi.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Hỗ trợ PN khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt là Đề án 939), mở ra nhiều cơ hội để PN khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, góp phần vào sự phát triển KT-XH. Bà Thắm cho rằng, so với trước đây, hoạt động khởi nghiệp trong tỉnh có sự đổi mới. Không chỉ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, phong trào PN khởi nghiệp thật sự lan tỏa, bước đầu có sự định hình, bài bản, được nhiều PN trong tỉnh biết đến. Với sự tiếp sức từ chương trình OCOP, các hoạt động truyền thông trên các trang mạng, trang thông tin điện tử, Ngày hội khởi nghiệp,... sẽ phát huy được giá trị của các sản phẩm trong quá trình khởi nghiệp của PN.

Trao giải cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”

Bên cạnh đó, một số PN chú ý lựa chọn những sản phẩm sạch trong sản xuất, kinh doanh. Phương thức kinh doanh từng bước thay đổi. Họ dần tiếp cận với công nghệ 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin. Riêng tại cấp tỉnh, năm 2020, hội tiếp tục đồng hành cùng PN thực hiện phong trào khởi nghiệp thông qua một số hoạt động: Quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các thủ tục cần thiết, hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp cũng như tổ chức Ngày hội khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho PN khởi nghiệp.

Phong trào đồng hành cùng PN khởi nghiệp như “luồng gió mới” khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em. Mỗi người một ý tưởng, cách khởi nghiệp khác nhau nhưng sẵn sàng góp công, góp sức để quê hương ngày càng phát triển./.

Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Long An chỉ đạo cơ sở tập trung thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Qua đó, các cấp hội đã giúp nhiều phụ nữ khởi sự kinh doanh với nhiều hình thức như hỗ trợ vốn, máy móc, tập huấn kỹ năng, tư vấn,... trong đó, hỗ trợ hơn 300 phụ nữ tiếp cận nguồn vốn để kinh doanh các ngành nghề với tổng số vốn hỗ trợ 11 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ hiện thực hóa 20 ý tưởng khởi nghiệp như trồng rau thủy canh, khắc hình trên quả bưởi, nuôi sâu, du lịch sông nước,...

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết