Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch do virus Corona là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu sau khi dịch lan ra khắp Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với cả nước, Long An triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đại dịch. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh trong toàn tỉnh. Theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh, tuyệt đối không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Các địa phương nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống tùy theo tình huống dịch bệnh; thành lập đội phản ứng nhanh đối phó virus Corona. Riêng ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, các cơ sở y tế, nhất là tại các cửa khẩu, địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp nhằm phát hiện sớm bệnh, xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.
Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc thực hiện tốt quy trình khám sàng lọc, điều trị, xét nghiệm bệnh phẩm kịp thời nếu phát hiện bệnh. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất, nhân lực sẵn có và trang bị thêm các máy X-quang di động, một số thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế trong trường hợp có ca nghi ngờ nhiễm bệnh”.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở khám và điều trị bệnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đến tất cả khoa, phòng. Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường) xây dựng kế hoạch ứng phó, thu dung cách ly điều trị bệnh nhân, không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười - Chung Văn Kiều cho biết: “Chúng tôi đã triển khai các phương án, tình huống ứng phó dịch bệnh đến tất cả khoa, phòng; thực hiện nghiêm việc phòng, chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất, trang phục bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, khu vực cách ly. Đồng thời, rà soát lại nguồn nhân lực, các tổ cấp cứu, tổ lưu động và tổ điều trị bệnh; tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế kiến thức phòng, chống dịch”.
Không chủ quan, lơ là
Long An là một trong những tỉnh có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh do khách du lịch, người lao động, học tập nhập cảnh trở về từ các vùng dịch tại Trung Quốc trong và sau thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trước tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, các cấp, các ngành trong tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch.Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại khu vực biên giới, đặc biệt là Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. Việc giám sát người dân đi lại qua cửa khẩu được thực hiện chặt chẽ để không bỏ sót những trường hợp có triệu chứng nhiễm virus Corona cũng như những người đến từ vùng có dịch. Các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu thực hiện việc phun thuốc khử trùng; bảo đảm an ninh, trật tự; kiểm tra, theo dõi thân nhiệt đối với khách xuất, nhập cảnh và cách ly khi phát hiện trường hợp thân nhiệt cao; tăng cường tuyên tuyền về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản yêu cầu Phòng GD&ĐT cấp huyện và các đơn vị, trường học trực thuộc Sở thực hiện Công điện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT triển khai các công việc nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh, chủ động ứng phó có hiệu quả nhất trong trường học.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh được triển khai kịp thời, đầy đủ giúp người dân chủ động phòng, chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng. Chị Nguyễn Thị Vân (khu phố 1, thị xã Kiến Tường) chia sẻ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là bệnh mới, nguy hiểm. Chính vì thế, tôi và gia đình chủ động phòng, chống dịch như hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, đeo khẩu trang y tế đúng cách khi đến nơi đông người, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chỉ sử dụng thực phẩm chín”.
Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh. Hiện bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp như tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở; đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế; tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.
Nếu thấy có dấu hiệu bệnh khi đi lại, du lịch, cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ôtô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt; chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã; đeo khẩu trang đúng cách khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.
Đối với những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam, cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Những người đến Trung Quốc, nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất thì không nên đến Trung Quốc trong dịp này. Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cả 2 trường hợp này nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.
Ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân không nên hoang mang, lo lắng mà cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của ngành y tế.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đề nghị:
“Các sở, ban, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đối với người của tỉnh cần xem công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Các cấp, các ngành liên quan, các địa phương triển khai phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ": Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; điều kiện thiết thực, cụ thể để chủ động cho công tác phòng, chống dịch tại từng cơ sở, đơn vị. Các địa phương, các ngành liên quan kịp thời giám sát, nắm thông tin, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đưa thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân"./.
|
Ngọc Mận - Huỳnh hương