Tiếng Việt | English

20/08/2021 - 09:28

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất nông nghiệp

Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều loại nông sản bị ùn ứ, không có đầu ra. Cùng với các sở, ngành liên quan, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản.

Kết nối tiêu thụ nông sản vào các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị,…

Kết nối tiêu thụ nông sản vào các chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị,…

Đa dạng hình thức cung ứng

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ngành Nông nghiệp phối hợp ngành Công Thương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường kết nối với các tập đoàn viễn thông, doanh nghiệp, kênh phân phối hiện đại để tiến hành chuyển đổi số nông nghiệp cũng như hỗ trợ đưa nông sản tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ.

Theo Sở Công Thương, hiện nay, hàng hóa, nông sản của tỉnh được tiêu thụ qua nhiều kênh, tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, nhất là các loại nông sản đang vào vụ thu hoạch rộ như lúa, chanh, thanh long và tôm. Hiện Sở Công Thương nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn được tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành phố ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, từng bước liên kết xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa để giúp nông dân yên tâm về đầu ra nông sản.

Song song đó, Sở Công Thương vận động các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh bán hàng bình ổn giá trong thời gian giãn cách xã hội. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường, HTX chuyên cung ứng các loại rau, củ, quả, trung bình 20 tấn/ngày, bán với giá bình ổn. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của HTX là vấn đề vận chuyển đến điểm tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn do các quy định phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, việc cung ứng hàng hóa trong những ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện tốt, hàng hóa bảo đảm, giá cả tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc kết nối tiêu thụ nông sản dù chưa như mong muốn nhưng cũng khả quan. Trong đó, nổi bật là việc kết nối tiêu thụ thanh long. Hiện nay, hầu hết cửa hàng tiện lợi như Bách Hóa Xanh, San Hà,... hay các siêu thị như Co.op, AEON (TP.HCM) đều đồng ý thu mua thanh long của người dân. “Khả năng cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh khá ổn định, không khan hiếm và không có biến động lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc đi lại, thu hoạch và vận chuyển hàng hóa, nông sản. Sở đang đề nghị tỉnh ưu tiêm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người thu mua, vận chuyển, nhân viên những chuỗi cửa hàng cung ứng hàng hóa, nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xem xét mở lại một số chợ truyền thống khi có đủ điều kiện để giảm áp lực cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích” - ông Thanh cho biết thêm.

Cần sớm hỗ trợ người dân tiêu thụ lúa Hè Thu 2021

Cần sớm hỗ trợ người dân tiêu thụ lúa Hè Thu 2021

Kích cầu sản xuất vụ Thu Đông

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT đã đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ cho thu mua dự trữ lúa Hè Thu 2021 để nông dân yên tâm sản xuất. Đây được xem là giải pháp để kích cầu sản xuất vụ Thu Đông trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, lúa Hè Thu tại các tỉnh phía Nam (trong đó có Long An) đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, trong tháng 8, 9 sẽ có sản lượng lúa cao nhất. Để tránh tình trạng thương lái lợi dụng tình hình khó khăn để trục lợi, việc thu mua dự trữ lúa của
quốc gia cần sớm được thông qua để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất và bảo đảm hoàn thành các kế hoạch sản xuất tiếp theo.

“Hiện nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang bắt đầu gieo sạ vụ Thu Đông. Tuy nhiên, do giá lúa giảm, việc thu hoạch, chế biến khó khăn nên nông dân còn lưỡng lự, chưa dám đẩy mạnh sản xuất vụ lúa này. Ngoài việc cung cấp lương thực thì vụ Thu Đông còn cung cấp giống cho vụ Đông Xuân, vì vậy việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa Hè Thu để kích cầu sản xuất vụ Thu Đông là cần thiết.

Mặt khác, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh phương án ưu tiên vận chuyển cho các mặt hàng nông sản, cây, con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, tránh đứt gãy, đình trệ chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản” - bà Khanh cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết