Tiếng Việt | English

23/10/2021 - 18:57

Kịp thời cứu sống người đàn ông bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Nam bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long kịp thời cứu sống.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân C.V.T. Anhr PHƯƠNG CHI

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân C.V.T. Anhr PHƯƠNG CHI

Chiều 23/10, nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe nam bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đang hồi phục tốt.

Trước đó, bệnh nhân C.V.T (46 tuổi, ngụ H. Trà Ôn, Vĩnh Long) đau đầu nhiều, nôn ói, rối loạn tri giác, kích động mạnh, la hét vô nghĩa. Vào Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh nhân tiếp tục sốt cao, ù tai. Gia đình cho hay ông T. thường xuyên ăn thịt heo, đặc biệt thích phần đầu và nội tạng. Qua thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, xét nghiệm dịch não tủy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) theo phác đồ viêm màng não. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đáp ứng thuốc, cải thiện tri giác, giảm đau đầu, giảm kích động, đặc biệt, xét nghiệm dịch não tủy lần 2 cho kết quả khả quan, các chỉ số nhiễm trùng cải thiện tốt.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Phó trưởng khoa ICU, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết nhiễm liên cầu khuẩn lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, đường tiêu hoá và sinh dục của heo. Bệnh nhân triệu chứng ban đầu có thể nhẹ, không đặc trưng (đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn, đi tiêu phân lỏng…) dễ lầm tưởng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Các trường hợp nặng hơn với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vi khuẩn liên cầu lợn. Một số trường hợp nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu…Trường hợp bệnh nhân C.V.T, khi bệnh viện tiếp nhận đã tiến triển khá nặng, ê kíp bác sĩ phải phối hợp điều trị bằng những biện pháp hồi sức tối ưu nhất để kịp thời cứu sống.

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thùy Mỵ, nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể chủ động phòng tránh được nếu mọi người có lối sống, sinh hoạt khoa học, giữ gìn vệ sinh chung, đặc biệt trẻ em nên tiêm vắc xin ngừa viêm màng não sớm. Mỗi gia đình và từng cá nhân phải ăn chín, uống sôi; không sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị bệnh, chết, nội tạng không đảm bảo vệ sinh; không nên ăn thịt tái, tiết canh./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết