Một buổi sinh hoạt và sơ kết mô hình nuôi heo đất tiết kiệm của phụ nữ Cần Đước
Những người đi đầu
Gần 7 năm làm Bí thư Chi bộ ấp 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, chính sự gần gũi, gắn bó với cơ sở mà đảng viên (ĐV) Trần Thị Láng được người dân nơi đây tín nhiệm cao. Suốt thời gian đó, dù lớn tuổi nhưng bà luôn tiên phong trong nhiều nhiệm vụ: Vận động xây cầu, làm đường, ánh sáng an ninh; gây quỹ, tài trợ học bổng, tặng quà cho học sinh vượt khó học giỏi, cấp xe lăn, mổ tim, xây nhà tình thương cho các hộ khó khăn về nhà ở,... hàng năm cả trăm triệu đồng.
Gần đây nhất, bà cùng chính quyền địa phương vận động bêtông hóa con đường liên ấp 1-2 với số tiền gần 900 triệu đồng. Khi con đường này hình thành, phục vụ nhu cầu đi lại của rất nhiều người dân nơi đây, giúp KT-XH xã phát triển.
ĐV Trần Thị Láng chia sẻ: “Hiện tại, dù không còn làm bí thư chi bộ ấp nữa nhưng tôi vẫn luôn đồng hành cùng địa phương đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Tôi nghĩ, cần có sự chung tay của nhiều người tâm huyết trong công tác an sinh xã hội. Mỗi khi làm được một việc gì đó giúp ích cho đời, tôi thấy vui và mãn nguyện. Được sự động viên, khích lệ của chồng, con, tôi có thêm nghị lực thực hiện ước mơ của mình”.
Học tập và làm theo gương Bác không chỉ là những cán bộ, ĐV mà còn có cả người dân bình thường với những việc làm hết sức giản dị, gần gũi.
Từng nhận rất nhiều giấy khen, bằng khen từ cấp huyện đến tỉnh, Trung ương về danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, về học tập và làm theo gương Bác nhưng niềm vui đối với ông Nguyễn Văn Thơi, ngụ ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng chính là nhìn thấy những con đường do mình góp công sức mang lại niềm vui cho người dân quê mình. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, ông còn tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Khi được chính quyền vận động, ông không ngần ngại hiến gần 4,5ha đất để thi công công trình thủy lợi và đường giao thông với tổng giá trị hơn 1,5 tỉ đồng.
Ông cho rằng: “Tui nghĩ, mình mang ơn Đảng, nặng ơn Bác nên mình ra sức phấn đấu. Quê tui còn nhiều khó khăn, nhìn mấy cháu đi học lấm lem bùn đất, tui không cầm lòng được! Mình có điều kiện hơn thì mình giúp sức”.
Ngoài 2 gương nêu trên, trong tỉnh còn có rất nhiều cá nhân tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới do địa phương phát động. Đó là ông Trần Tiết Giao, ngụ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc; ông Trần Văn Bé, ngụ xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ; ông Võ Minh Trung, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An; ông Trần Văn Ỏ, ngụ xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa; ông Nguyễn Văn Vĩnh, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành;...
“Hành động nhỏ, lợi ích lớn”
Hầu hết các đảng bộ, chi bộ, cán bộ, ĐV, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đều học đức tính cần, kiệm của Bác. Trong đó, nhiều năm nay, với phương châm “Hành động nhỏ, lợi ích lớn”, Đảng bộ huyện Đức Hòa “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ”. Từ mô hình 3 tiết kiệm (tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm thời gian), mỗi cán bộ, công chức, viên chức dành một phần tiền nhỏ của mình để xây dựng quê hương. Hưởng ứng đợt phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện xây dựng mô hình nuôi heo đất tiết kiệm, giúp hội viên vượt qua khó khăn. Trong phong trào ấy, có nhiều ĐV, hội viên tích cực tham gia.
Không ngại tuổi cao, sức yếu, bà Hoàng Thị Hường, ngụ xã Đức Hòa Hạ có nhiều đóng góp vào công tác hội và phong trào chung của địa phương. Bà vận động quà, tiền giúp đỡ những gia đình hội viên nghèo, neo đơn, bệnh tật. Bà là điển hình về học Bác trong thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Từ tiền trợ cấp chính sách của mình và tích góp của con cháu, bà hỗ trợ gạo hàng tháng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động tiền mua áo quan cho những gia đình nghèo có tang lễ; tu sửa nhà tình thương; vận động ủng hộ trẻ nhiễm chất độc da cam;... Tấm lòng của bà đối với những mảnh đời bất hạnh thật đáng trân trọng!
Tương tự, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước cũng duy trì mô hình này. Chủ tịch hội - Nguyễn Thị Kim Cương cho biết, huyện có gần 800 con heo đất với tổng số tiền tiết kiệm gần 350 triệu đồng. Từ năm 2010 đến nay, có hàng trăm học sinh con gia đình nghèo, khó khăn được hỗ trợ từ tiền nuôi heo đất, rất nhiều phụ nữ khó khăn được giúp đỡ từ nguồn kinh phí đóng góp. Những việc làm của các chị tuy nhỏ nhưng đậm tính nhân văn sâu sắc.
Vì bình yên của nhân dân
Khắc ghi Sáu điều Bác Hồ dạy với chiến sĩ Công an nhân dân, Công an huyện Tân Trụ luôn cống hiến hết mình vì bình yên của người dân. Các anh thể hiện tấm gương sáng của chiến sĩ Công an nhân dân, tuyệt đối không nhận hối lộ. Những năm qua, lực lượng Công an mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm, vận động toàn dân tham gia tấn công các loại tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các ngày lễ, tết.
Đặc biệt, ngành xây dựng nhiều mô hình hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Camera an ninh; Cổng an ninh, trật tự (ANTT) tại các xã, thị trấn; Tiếng loa an ninh lưu động; Cụm liên ranh an toàn; Ánh sáng ANTT; Mỗi đoàn viên, hội viên là an ninh viên kết hợp gậy phòng gian; xây dựng và triển khai chốt phòng, chống tội phạm;... Từ đó, góp phần ổn định ANTT, xây dựng và phát triển KT-XH địa phương.
Ông Huỳnh Tấn Nguyên bên cuốn sổ ghi chép những vụ án và bằng khen trong một lần vây bắt tội phạm
Hay đó còn là tấm gương của ông Huỳnh Tấn Nguyên - Đội trưởng Đội Dân phòng Honda khách phòng, chống tội phạm huyện Bến Lức. Nhiều năm qua, trong vai trò là người chạy xe Honda khách để mưu sinh, ông tham gia cùng với ngành Công an phá hàng trăm vụ án và được mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm”.
Ông nói: “Tôi học ở Bác tình yêu thương con người và vì nhân dân phục vụ. Nhiều đêm chở khách tại ngã ba Long Kim, thị trấn Bến Lức, tôi từng chứng kiến nhiều vụ trộm, giật tài sản của người dân nên rất bức xúc. Từ đó, tôi nghĩ mình cần phải làm việc gì đó để giúp đỡ họ”.
Tiếp tôi trong căn nhà cũ kỹ nhưng treo đầy giấy khen, bằng khen từ cơ sở đến cấp tỉnh, Trung ương, ông vừa nói, vừa chỉ những vết sẹo đầy tay, chân trong những lần giao đấu với tội phạm. Ông nổi tiếng nhỏ con nhưng rất “liều mạng” trong những lần xông pha vây bắt và trấn áp tội phạm. Trong cuốn sổ “dày cộm”, ông ghi chép đầy đủ những vụ án mà bản thân cùng với ngành chức năng phát hiện, vây bắt được tội phạm trong suốt 9 năm qua, có những vụ nguy hiểm đến tính mạng mà bây giờ nhắc lại vẫn khiến ông thấy lo sợ.
Vì nhiệm vụ, ông thường đi tuần tại các tuyến đường từ 19 giờ đến 5 giờ sáng. Vợ ông nhiều lần thấp thỏm, lo lắng. Bà từng phiền lòng và can ngăn, lo sợ ông “gặp chuyện” vì bọn tội phạm rất manh động và hung dữ. Thế nhưng, bà biết không thể lay chuyển được quyết tâm của chồng nên âm thầm động viên và ủng hộ. Khi tôi băn khoăn, vì hiện tại, ông bước sang tuổi 60 mà phải đương đầu với tội phạm, ông vội trấn an: “Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, ai sẽ nhận phần gian khó. Cho nên tôi nghĩ, mình tiếp tục cống hiến đến khi nào xã hội không cần mình nữa mới thôi!”./.
Thanh Nga
(còn tiếp)