Tiếng Việt | English

06/09/2016 - 09:26

Để thanh long bay xa

Kỳ 2: Hiệu quả từ cây thanh long

Từ nhiều năm nay, nhờ trồng cây thanh long, thu nhập của người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An ngày một khá hơn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương xây dựng nông thôn mới.


Người dân chăm sóc thanh long

Cây giảm nghèo

Từ những năm 1990 trở về trước, diện tích cây thanh long ở Châu Thành rất ít. Bởi, không có nhiều người trồng và nếu có trồng thì mỗi người cũng chỉ trồng 2-3 gốc cho đeo bám trên cây me chua, cây dong, cây điệp,... trong vườn cùng các loại cây ăn trái khác. Thanh long cũng không được người dân chăm sóc, bón phân, xịt thuốc nên trồng 3-4 năm mới cho trái tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Văn Phận (SN 1940), ở ấp Đồng Tre, xã An Lục Long, thanh long có trái vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm vì khi thời tiết nóng, oi bức là thanh long ra nụ. Do tán cây che khuất nắng, thanh long bị sâu, bệnh nên trái không to. Trái chín để ăn chơi, cho, tặng chứ không ai bán.

Đến những năm 1990-1995, cây thanh long bắt đầu phát triển. Vào thời điểm này, huyện chưa quy hoạch hệ thống thủy lợi nội đồng nên người dân thiếu nước ngọt để sản xuất lúa. Diện tích lúa 2 vụ rất ít, đa số người dân chỉ trồng 1 vụ lúa, đồng thời, chưa áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất thấp. Vì vậy, người dân trồng lúa chỉ đủ ăn, nhiều hộ nghèo thiếu gạo ăn từ 4-6 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch). Trong khi đó, thanh long có trái từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch nên một số hộ bán trái thanh long để mua gạo.

Sau đó, một vài thương lái như ông Ba Tài, Tư Xi (xã Long Trì), ông Bảy Hưởng (xã Dương Xuân Hội), ông Sáu Lộc, Bảy Khá (xã An Lục Long), bà Sáu Tất (xã Thanh Phú Long) mua thanh long đi bán ở các chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, TP.HCM. Giá bán thanh long lúc này dao động từ 1.000-3.000 đồng/kg. Thanh long bán được, có chút ít tiền mua gạo ăn trong thời điểm giáp hạt nên người dân gọi là cây “xóa đói, giảm nghèo”.


Thanh long Châu Thành

Nhận thấy thanh long dần có hiệu quả kinh tế, những năm 1990, huyện chỉ đạo, động viên người dân ở vùng giữa (An Lục Long, Long Trì, Dương Xuân Hội), một phần xã Phước Tân Hưng, Hiệp Thạnh mạnh dạn cải tạo vườn tạp, phá bỏ cây tre, trúc, trâm bầu để trồng được hơn 199.700 gốc thanh long. Huyện cũng sớm quy hoạch, dần dần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, nạo nét kênh, mương; khai thông sông Bà Lý 3 dẫn nước ngọt về An Lục Long nhằm trữ nước ngọt, phục vụ sản xuất tăng 2-3 vụ lúa (hoặc 1 lúa-1 màu; 2 lúa-1 màu) và tưới tiêu cho cây thanh long, rau màu khác.

Những năm 1990-2000, trái thanh long bán được ở thị trường nội địa, người dân vùng giữa của Châu Thành mạnh dạn cải tạo vườn tạp, một số người phá bỏ cả cây dừa, “tạm biệt” cây lúa để chuyển đổi trồng thanh long.

Ông Trương Văn Sáng, 71 tuổi, ngụ ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long phấn khởi cho biết: Từ ngày chuyển sang trồng thanh long, đặc biệt là từ khi áp dụng biện pháp xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ thì kinh tế gia đình ông ngày một khá lên. Trước đây, khi chưa “bén duyên” với thanh long, ông sử dụng 1,35ha đất sản xuất lúa và vườn tạp, chăn nuôi nhưng thu nhập không đủ nuôi 6 miệng ăn trong gia đình.

Năm 1993, thấy một số người dân trong ấp chuyển sang trồng thanh long, ông cũng “liều” một phen. Ngay từ vụ đầu tiên, ông thấy thanh long có hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa. Đặc biệt, từ khi ông học được biện pháp xông đèn thanh long trái vụ thì hiệu quả kinh tế lại càng thể hiện rõ hơn. Ăn nên làm ra, ông mua thêm 0,6ha đất vườn tạp và chuyển toàn bộ diện tích thanh long trồng trên cây xanh sang trồng trên trụ bêtông. Năm 2015, với gần 2ha thanh long, ông thu được 1,3 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, ông còn lãi 650 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện - Võ Thanh Hồng cho biết: Trước đây, người dân chỉ xem thanh long là cây ăn trái thông thường trong vườn nhà, đến khi thị trường có nhu cầu, cây thanh long mới được người dân chú ý đến. Nông dân bắt đầu xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ. Người dân cũng chuyển từ trồng trên cây xanh sang trụ bêtông để giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến năm 2000, việc trồng thanh long được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ huyện, xem đây là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của huyện. Hiện nay, 1ha đất trồng thanh long đạt năng suất bình quân 45 tấn (thanh long chính vụ 10 tấn, thanh long rải vụ 17,5 tấn/lần xông đèn). Mỗi hécta thanh long, người dân thu lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng/năm, tùy theo giá cả và thanh long ruột trắng hay ruột đỏ.


Chất lượng thanh long Châu Thành ngày càng được nâng cao

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Chính nhờ cây thanh long, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, nhiều người trở thành tỉ phú trong thời gian 1-2 năm ở độ tuổi 30-35. Đặc biệt, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, trở nên khá, giàu hơn nhờ có việc làm, thu nhập ổn định từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế thanh long. Thống kê sau đây cho thấy những năm qua, hộ nghèo của huyện giảm mạnh. Kết quả từ cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo của huyện từ năm 2011 đến 2015, số hộ thoát nghèo từng năm là: Năm 2011: 338 hộ, năm 2012: 309 hộ, năm 2013: 297 hộ, năm 2014: 251 hộ, năm 2015: 166 hộ. Hiện toàn huyện chỉ còn 998 hộ nghèo, chiếm 3,7%.

Khi đời sống người dân được nâng cao thì họ nhiệt tình tham gia cùng với chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điều này thể hiện qua việc người dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào xây dựng nông thôn mới. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Hồng (Tám Sâm), ngụ ấp Ông Bụi, xã An Lục Long. Khi chính quyền địa phương có chủ trương thực hiện bêtông hóa tuyến đường Ông Nhạc dài 1.600m theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông tự nguyện đóng góp trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động người dân sống cặp hai bên đường đóng góp từ 2,5-7 triệu đồng xây dựng tuyến đường. Với sự hưởng ứng tích cực của người dân, tuyến đường Ông Nhạc được bêtông hóa thẳng tắp, xe ôtô trọng tải 2,5 tấn lưu thông vào thôn xóm để vận chuyển thanh long và đi lại dễ dàng.

Được biết, toàn huyện Châu Thành có 314km đường giao thông nông thôn. Với sự chung sức, chung lòng của người dân, đến nay, 100% tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa, bêtông hóa, nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Ông Võ Thanh Hồng khẳng định: Thanh long không chỉ giúp nông dân cải thiện thu nhập mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong xây dựng nông thôn mới. Thể hiện rõ nhất là đến nay, huyện có 7/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hướng phấn đấu của huyện đến năm 2017 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới./

(còn tiếp)
Hải Phát - Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết