Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được ngành y tế Long An triển khai tích cực
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do đó, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Ngăn chặn lây truyền HIV từ mẹ sang con
Theo Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế thì xét nghiệm sàng lọc HIV là một trong những xét nghiệm cần thực hiện sớm khi mang thai. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 4.266 thai phụ được tư vấn, xét nghiệm HIV, trong đó có 11 thai phụ dương tính với HIV và 10/11 thai phụ này được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng vi-rút HIV sẽ làm giảm số lượng vi-rút HIV trong cơ thể người mẹ. Vì vậy, phụ nữ nhiễm HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh và sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.
Ngành y tế đang cố gắng chuyển tải thông điệp K=K, viết tắt của khẩu hiệu “Không phát hiện = Không lây truyền” đến với nhóm người nhiễm HIV. Như vậy, phụ nữ nhiễm HIV phải được điều trị sớm, tuân thủ những quy định về việc uống thuốc, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, khi tải lượng vi rút HIV đạt dưới ngưỡng phát hiện thì phụ nữ có thể sẵn sàng cho việc mang thai.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được ngành y tế tỉnh triển khai tích cực. Các hoạt động chính của chương trình gồm: Truyền thông, tư vấn; quản lý và khám thai định kỳ, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai; điều trị dự phòng HIV cho thai phụ nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm và thực hiện các xét nghiệm theo dõi trẻ. “Tham gia chương trình này, tôi được cán bộ y tế tư vấn các biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; cung cấp những kiến thức nuôi dưỡng trẻ, biện pháp chăm sóc và dự phòng thích hợp trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ,…” - chị T.N.L (huyện Đức Hòa) chia sẻ.
Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Long An và các trung tâm y tế tuyến huyện đều thực hiện xét nghiệm HIV bảo đảm sự riêng tư, bí mật cho người đến xét nghiệm. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Võ Thị Định khuyến cáo: “Các cặp vợ chồng cần quan tâm đến hoạt động dự phòng nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Đối với phụ nữ mang thai nên thực hiện xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Nếu thai phụ nhiễm HIV thì phải tuân thủ việc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con”.
"Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV"
Đó là chủ đề của Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 nhằm nhắc nhở phụ nữ mang thai phải bảo vệ bản thân không bị nhiễm HIV và nếu bị nhiễm cần điều trị sớm, điều trị đúng để không lây truyền cho con. Bởi, khi người mẹ mang thai nhiễm HIV sẽ lây truyền cho con vào các thời điểm: Trong lúc mang thai, trong lúc sinh và khi cho con bú.
Chị N.T.D (TP.Tân An) bộc bạch: “Tôi được các bác sĩ tư vấn tận tình về cách chăm sóc, nuôi dưỡng và dự phòng lây truyền HIV cho con sau khi sinh. Tôi cũng lựa chọn cách nuôi con bằng sữa ngoài thay thế sữa mẹ giúp con khỏe mạnh, tránh lây nhiễm”.
“Tỷ lệ lây truyền tự nhiên của đường truyền mẹ sang con khoảng 35-40%. Có nghĩa là, nếu không được dự phòng và điều trị, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có 35-40 trẻ em bị lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp dự phòng và điều trị đúng, tỷ lệ lây nhiễm của đường truyền mẹ sang con giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng 3-5%. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị sớm, điều trị đúng các trường hợp thai phụ bị nhiễm HIV” - Thạc sĩ Võ Thị Định cho biết thêm.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được triển khai nhiều năm qua ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Long An. Việc điều trị dự phòng giúp thai phụ nhiễm HIV tăng sức đề kháng, có khả năng sinh con khỏe mạnh, phòng ngừa lây nhiễm. Nhờ phát hiện thai phụ nhiễm HIV sớm và điều trị kịp thời mà số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ giảm đáng kể. Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng./.
Ngọc Mận - Huỳnh Hương