Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: TTXVN)
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình - ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực Chính phủ; bà Võ Thị Ánh Xuân - ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Cách đây 70 năm, sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương được ký kết. Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải đã trở thành ranh giới quân sự chia cắt hai miền Nam - Bắc.
Ngày 25/9/1954, con tàu đầu tiên rẽ sóng vào cửa Lạch Hới, Sầm Sơn giữa tiếng reo mừng của hàng ngàn người dân Thanh Hóa, hân hoan chào đón những người con thân yêu của miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc.
Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội; 1.869 thương bệnh binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Qua đó, tỉnh là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước.
Trong thời gian ấy, Thanh Hóa đã thành lập hàng chục trạm đón tiếp, xây dựng nhiều bệnh viện, trạm xá tại Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, phục vụ đồng bào ngay từ những ngày đầu đặt chân trên đất Bắc.
Trên khắp mọi miền xứ Thanh, phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam diễn ra sôi nổi; chuẩn bị nhiều tấn lương thực, thực phẩm; cung cấp hàng chục ngàn bộ quần áo, chăn màn và các điều kiện cần thiết khác; các huyện miền núi ngày đêm vận chuyển hàng vạn cây luồng, nứa, gỗ... để xây dựng nhà cửa, lán trại, giúp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ổn định cuộc sống./.
Con tàu tập kết
Tại Sầm Sơn, trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam và nhân dân Thanh Hóa mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tháng 8/2022, khu lưu niệm này được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2 ở ngay cạnh cảng Lạch Hới, do UBND thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư.
Công trình con tàu tập kết tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: HÀ ĐỒNG)
Công trình có tổng vốn đầu tư gần 255 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 76 tỉ đồng, vốn ngân sách TP Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa khác là gần 180 tỉ đồng.
Toàn bộ dự án này gồm các hạng mục như: tượng đài con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung; nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu và công trình phụ trợ, 3 lán trại mô phỏng lại nơi ăn ở sinh hoạt, con đường ký ức…
Sau gần hai năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, nổi bật là cụm tượng đài con tàu tập kết và bức phù điêu hình cánh cung.
Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn.
|
Theo Báo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/ky-niem-70-nam-don-tiep-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ra-bac-2024102803042668.htm